Các nhà khoa học Mỹ bị chỉ trích vì tạo ra chủng Covid-19 mới

COVID-19 THẾ GIỚI
15:52 - 18/10/2022
Các nhà khoa học tạo ra biến thể mới của Covid-19 này bị chỉ trích là đang "đùa với lửa". Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học tạo ra biến thể mới của Covid-19 này bị chỉ trích là đang "đùa với lửa". Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Đại học Boston, Mỹ vừa tuyên bố tạo ra một biến thể mới của virus corona có tỷ lệ gây tử vong 80% cho chuột thí nghiệm nhờ kết hợp chủng Omicron lây lan nhanh với chủng đầu tiên được tìm thấy tại Vũ Hán, Trung Quốc. Thông tin này đang gây ra tranh cãi nảy lửa.

Trong một bài nghiên cứu được nhóm các nhà khoa học công bố ngày 14/10 vừa qua, biến thể mới này được tạo ra bằng cách cô lập gai protein của biến thể Omicron và kết hợp nó với “xương sống” của chủng lưu hành đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán hồi đầu năm 2020. Kết quả của sự kết hợp này tạo ra một loại virus mạnh mẽ có thể tránh được kháng thể của vaccine và từ đó khiến các con chuột thí nghiệm mắc phải bệnh nặng.

Theo báo cáo này, có tới 80% số chuột thí nghiệm đã chết vì loại biến chủng mới nói trên. Mặt khác, dù nhóm nghiên cứu cho biết tỷ lệ tử vong này ở trên người sẽ thấp hơn so với chuột, nhưng biến thể này tạo ra nhiều virus hơn gấp 5 lần so với biến thể Omicron ở trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Dù chưa được bình duyệt, tin tức về nghiên cứu này vẫn gây ra nhiều làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội. Tuy virus corona đầu tiên đã được xác nhận không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, vẫn có nhiều người tin rằng các thí nghiệm tương tự như thí nghiệm này của Đại học Boston là lý do vì sao virus corona xuất hiện.

Trong một tuyên bố gay gắt, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Sinh học Israel Shmuel Shapira thậm chí còn chỉ trích rằng, các nhà khoa học đang “đùa với lửa” và việc này đáng nhẽ nên bị cấm hoàn toàn.

Thêm vào đó, kết quả của nghiên cứu này dường như cũng khiến Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID) – bên tài trợ cho dự án – không hài lòng. Theo giám đốc Bộ phận Vi sinh và Bệnh truyền nhiễm của NIAID Emily Erbelding, các đơn vị xin tài trợ ban đầu chưa làm rõ về các đầu mục cụ thể của nghiên cứu. Bà cũng cho biết các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston cũng không làm rõ trong báo cáo tiến độ của mình rằng các thí nghiệm có thể tăng cường mầm bệnh có khả năng gây đại dịch.

Cụ thể, chính sách của NIAID yêu cầu mọi đề xuất tiến hành nghiên cứu tạo ra các mầm bệnh tăng cường có khả năng gây đại dịch phải được chuyển đến một ủy ban để phân tích rủi ro và lợi ích. Chính sách này được gọi là khung P3CO.

Phản ứng lại với các cáo buộc rằng nghiên cứu này khiến Covid-19 trở nên nguy hiểm hơn, các nhà khoa học Đại học Boston khẳng định đây không phải sự thật. Khi trả lời tờ The Boston Herald, các chuyên gia liên quan cho biết nghiên cứu này không phải là nghiên cứu về chức năng, đồng nghĩa với việc nó không khuếch đại chủng virus gốc từ năm 2020 hoặc làm cho nó nguy hiểm hơn. Ngược lại, nghiên cứu này đã làm cho virus tạo ra ít nguy hiểm hơn do chủng virus nguyên bản được ghi nhận giết chết 100% số chuột thí nghiệm.

Về phần kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc dự án này đi tới kết luận rằng các đột biến của gai protein từ biến thể Omicron cho phép nó tránh được khả năng miễn dịch của vaccine, tuy nhiên không phải là nguyên nhân khiến mức độ nghiêm trọng của nó sụt giảm.

Đọc tiếp