Các nước châu Á đang khác biệt về cách tiếp cận tiền điện tử

BITCOIN asean
08:25 - 17/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc hay Campuchia đã phát hành thử nghiệm tiền điện tử của riêng mình thì một số quốc gia khác lại giữ quan điểm thận trọng, trong đó có Việt Nam.

Chấp nhận và quản lý

Thị trường tiền điện tử đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhận diện xu hướng phát triển mới, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp để phục vụ nhu cầu giao dịch tiền số của người dân. Chính quyền các nước này xác định thông qua các đạo luật công nhận và quản lý tiền điện tử thay vì cấm đoán.

Các loại hình tài sản kỹ thuật số trở thành một từ khóa phổ biến xuyên suốt năm 2021. Các loại tiền số từng đạt mức cao kỷ lục trong năm qua và mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc. Vì thế, chính phủ các quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu xem xét nghiên cứu và xây dựng công nghệ ứng dụng tiền ảo.

Trên thế giới, El Salvador là quốc gia đầu tiên công nhận và hợp pháp hóa Bitcoin. Chính quyền nước này đã đẩy mạnh áp dụng Bitcoin thông qua ví Chivo, đồng thời lắp đặt 200 máy ATM Bitcoin trên khắp đất nước hỗ trợ người dân đổi tiền mã hóa lấy USD.

Chỉ tính trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia đã triển khai các đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Mới đây, Trung Quốc thông báo thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử phục vụ vận động viên và du khách quốc tế tại Thế vận hội mùa đông 2022.

Trong khi đó, Nhật Bản sắp sửa phát hành Stablecoin theo đồng Yên, dự kiến sẽ bắt đầu được sử dụng vào năm 2023, theo Nikkei Asia.

Ứng dụng tiền điện tử Bakong được kết nối với tất cả các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tại Campuchia.

Ứng dụng tiền điện tử Bakong được kết nối với tất cả các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tại Campuchia.

Tại Đông Nam Á, Campuchia cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có tiền điện tử Bakong được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương. Nước này đã bắt đầu nghiên cứu ứng dụng blockchain từ năm 2017 và chính thức ra mắt đồng tiền kỹ thuật số Bakong vào tháng 10/2020.

Bakong được Ngân hàng quốc gia Campuchia (NBC) phát triển, với sự hỗ trợ của công ty công nghệ blockchain Nhật Bản Soramitsu, nhằm tăng cường sự hiện diện của đồng tiền riêng của mình là đồng riel và dần dần hạn chế sử dụng đồng USD.

Không cấm nhưng siết chặt

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan mới đây cho biết sẽ ban hành thêm các quy định mới để siết chặt vấn đề tiền kỹ thuật số. Việc sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán bị hạn chế, chỉ có thể giao dịch dưới dạng tài sản ở các nền tảng được cấp phép.

Vào tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Thái Lan từng cảnh báo các ngân hàng thương mại trực tiếp tham gia vào giao dịch tài sản kỹ thuật số do lo ngại rủi ro của thị trường này. Tuy nhiên, cơ quan này và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) vẫn cho phép mua bán và trao đổi tiền điện tử trên các nền tảng đã được SEC cấp phép.

Trong bối cảnh giá Bitcoin đang giảm mạnh thời gian gần đây, thị trường tiền điện tử tại Thái Lan nhiều khả năng sẽ còn bị kìm hãm hơn nữa. Quyết định chính thức sẽ được công bố và áp dụng vào khoảng giữa tháng 2 sau phiên thảo luận ngày 8/2. Sau đó, kể cả người mua hay người bán, nếu bị phát hiện vi phạm sẽ có thể bị phạt 300.000 baht (hơn 200 triệu đồng), cùng với khoản phạt bổ sung 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) mỗi ngày nếu vẫn tiếp tục vi phạm.

Thực ra, việc siết chặt tiền điện tử không phải là mới ở các quốc gia ASEAN. Trước đó, các nước như Brunei, Indonesia và Malaysia đều đã có các quy định tương tự. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Singapore đều từ chối mọi thanh toán bằng các loại tiền điện tử.

Chính phủ Việt Nam và các quốc gia ASEAN hiện đều giữ thái độ cẩn trọng đối với các loại tiền điện tử, trong đó có Bitcoin, do tính chất dễ biến động của đồng tiền kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư tiền số chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước vừa được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam chỉ bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Do đó dùng các loại tiền điện tử như Bitcoin làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là trái pháp luật. Dù vậy, việc dùng tiền mua Bitcoin và bán Bitcoin để thu tiền thì cho đến nay vẫn chưa bị cấm.

Trong khi đó, người dân Việt Nam đang cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiền điện tử, thể hiện trong xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Internet vào năm qua.

Trình duyệt tìm kiếm Cốc Cốc mới đây đã công bố báo cáo thống kê chi tiết về xu hướng tìm kiếm của người dùng Internet tại Việt Nam năm 2021. Các từ khoá liên quan đến tiền điện tử đã tăng mạnh, đặc biệt là trong những tháng cuối năm (từ tháng 10 đến 12) do giá Bitcoin thay đổi chóng mặt. Với chủ đề tài chính, top những từ khóa tìm kiếm phổ biến là về tiền điện tử, ví dụ như “Bitcoin là gì” hay “cách kiếm tiền trực tuyến”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.