Các nước xuất khẩu dầu từ chối yêu cầu tăng sản lượng của Mỹ

dầu mỏ THẾ GIỚI
10:38 - 11/05/2022
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với luật mới của Mỹ nhằm điều chỉnh sản lượng dầu của khối, với lý do rằng việc này sẽ đem lại sự hỗn loạn lớn hơn nữa cho thị trường năng lượng hiện tại.

Tuần trước, Ủy ban Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Cartel không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC). Theo CNBC, dự luật này được đề xuất nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi những đợt tăng giá năng lượng đột biến. Cụ thể, dự luật này sẽ cho phép liên minh này trở thành đối tượng của các vụ kiện chống độc quyền do việc điều chỉnh cắt giảm nguồn cung làm tăng giá dầu thô toàn cầu.

Một khi được toàn thể Thượng viện và Hạ viện thông qua, nó sẽ chính thức trở thành luật sau khi Tổng thống Mỹ chính thức đặt bút ký.

Ngoài ra vào tháng 3, Mỹ cũng đã chính thức cấm nhập khẩu dầu Nga trong bối cảnh giá dầu thế giới vốn cao. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm sau đó đã tuyên bố quốc gia này đang ở trong "tình thế chiến tranh", và kêu gọi các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng.

Do đó trong bối cảnh giá cả tăng mạnh và lạm phát phi mã, OPEC cùng các đối tác của mình đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía các nước tiêu thụ như Mỹ và Nhật Bản. Các quốc gia này cáo buộc khối không gia tăng sản lượng của mình khi giá dầu thế giới tăng vọt lên mức 102 USD đối với dầu Brent tính tới 10/5. Theo khảo sát mới nhất của S&P Global Commodity Insights, liên minh 23 quốc gia OPEC+ cũng đang thiếu 2,59 triệu thùng dầu trong hạn ngạch vào tháng 4.

Tuy nhiên phản ứng lại với động thái này từ phía Mỹ, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei tuyên bố rằng, OPEC đang bị nhắm tới một cách không công bằng trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Tuy ông Al Mazrouei cũng thừa nhận rằng một số thành viên của liên minh dầu mỏ đang thiếu hạn ngạch sản xuất, căng thẳng địa chính trị tại Ukraine đang đẩy tình hình phức tạp hơn nữa. Ông cho biết OPEC+ không thể bù đắp 100% nhu cầu của thế giới và khối đã làm tốt hơn kỳ vọng.

Thêm vào đó, ông cũng bổ sung thêm nếu Mỹ phá vỡ hệ thống sản xuất đã thiết lập của khối, thị trường năng toàn cầu có thể gặp sự hỗn loạn hơn nữa và đẩy giá dầu tăng tới 200% hoặc 300% - một mức tăng giá mà thế giới không thể xử lý được.

Ngoài ông Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cũng bày tỏ thái độ quan ngại về dự luật NOPEC của Mỹ. Theo ông, các thành viên OPEC cũng như ngoài OPEC nên hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Thế giới cần làm việc tập thể, có trách nhiệm và toàn diện trong việc cung cấp năng lượng và cứu vãn nền kinh tế thế giới.

Mặt khác hồi tháng 3 trước đó, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Brazil tăng sản lượng dầu thô để kiềm chế giá cả tăng vọt trong bối cảnh các nước phương Tây trừng phạt dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên theo Reuters đưa tin hôm 10/5, Brazil – nước xuất khẩu dầu mỏ thứ 11 thế giới và cụ thể là công ty dầu khí nhà nước Petrobras - đã từ chối yêu cầu này. Theo đại diện của tập đoàn, mức sản lượng được xác định bởi chiến lược kinh doanh chứ không phải chính sách ngoại giao. Hơn nữa về mặt hậu cần, việc thúc đẩy sản xuất trong ngắn hạn cũng là việc không thể.

Ở một diễn biến khác cùng trong tháng 3, Mỹ đã có những cuộc thảo luận với Venezuela – quốc gia nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất hành tinh – về việc nới lỏng trừng phạt để đổi lại nhập khẩu dầu. Tuy nhiên sau đó, vấn đề này đã được lùi lại cùng với các yêu cầu bổ sung từ phía Venezuela.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.