Các phiên chợ Ramadan ở Malaysia tấp nập khi dịch bệnh được đẩy lùi

Ramadan MALAYSIA
05:41 - 20/04/2022
Các phiên chợ Ramadan ở Malaysia sôi động trở lại trong tháng này, vì hầu hết các hạn chế Covid-19 đã được nới lỏng. Quốc gia này đang bước vào giai đoạn “chuyển đổi Covid-19 từ dịch bệnh sang bệnh đặc hữu”.

Niềm vui của các thương nhân

Mỗi ngày trong tháng 4 này đều là một ngày bận rộn đối với cô Deltisusanti Suhardi, một người bán đồ ăn tại phiên chợ Ramadan ở thành phố Petaling Jaya. Kể từ khi sang tháng ăn chay của người Hồi giáo, gian hàng của cô luôn được chuẩn bị trước 4 giờ chiều để đảm bảo nấu đủ món ăn cho các thực khách.

“Năm ngoái, tôi cũng đã mở một gian hàng phục vụ ẩm thực Ramadan. Tuy nhiên, tôi không thể bán hết hàng vì thời gian kinh doanh bị cắt ngắn. Tôi đã bị lỗ”, cô Deltisusanti kể lại với CNA.

Cô Deltisusanti Suhardi (phải) đang bán hàng cho một khách hàng tại chợ Ramadan ở SS6, Petaling Jaya. Ảnh: CNA
Cô Deltisusanti Suhardi (phải) đang bán hàng cho một khách hàng tại chợ Ramadan ở SS6, Petaling Jaya. Ảnh: CNA

“Nhưng năm nay, mọi thứ đã khác rất nhiều. Khách hàng đang quay trở lại với số lượng lớn, gần bằng những năm trước rồi. Công việc bán hàng của tôi khá tốt. Chỉ sau 10 ngày bán, tôi đã có thể bù đắp chi phí thuê quầy hàng và mua sắm các nguyên liệu”, cô Deltisusanti vui vẻ trả lời.

Cũng như cô Deltisusanti, ông Nadzrul Nadzir, người mở một quầy bán gà nướng tại phiên chợ ở Taman Tun Dr Ismail (TTDI), thành phố Kuala Lumpur, cũng không giấu nổi sự phấn khởi. “Đã hai năm rồi chúng tôi không thể kinh doanh trong bầu không khí vui vẻ như thế này. Thu nhập của tôi cũng tốt hơn nhiều”, ông nói.

Ông cũng tiết lộ có một nhà ăn trong trường học, tuy nhiên thu nhập đã giảm mạnh trong hai năm qua, khi các trường học đóng cửa và học sinh chủ yếu học tại nhà. “Thu nhập từ phiên chợ Ramadan này sẽ giúp thu hồi những khoản lỗ và số tiền mà tôi đã bỏ ra để ‘cầm cự’ trong năm 2020 và 2021”, ông cho biết.

Gian hàng gà nướng của ông Nadzrul Nadzir tại chợ TTDI Ramadan. Ảnh: CNA

Gian hàng gà nướng của ông Nadzrul Nadzir tại chợ TTDI Ramadan. Ảnh: CNA

Đối với các thương nhân, niềm hứng khởi của của những khách hàng khi quay trở lại phiên chợ chính là báo hiệu hy vọng rằng hoạt động kinh doanh có thể sớm khôi phục như thời trước đại dịch. Trong tháng Ramadan, những phiên chợ này là nơi những người Hồi giáo tìm mua thực phẩm, trong khi những người không theo đạo Hồi coi đó là buổi dạo chợ phiên.

Năm ngoái, mùa lễ Ramadan được đánh dấu bằng sự gia tăng số lượng người mắc Covid-19, khiến các nhà chức trách buộc phải thắt chặt các biện pháp chống dịch. Các chợ buộc phải đóng cửa, không tụ tập đông người. Đối với những người kinh doanh tại các phiên chợ Ramadan, điều này đồng nghĩa với việc họ phải tiếp tục thiệt hại về tài chính.

Các phiên chợ Ramadan ở Malaysia đã sôi động trở lại trong tháng này vì hầu hết các hạn chế Covid-19 đã được nới lỏng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn “chuyển đổi từ dịch bệnh sang bệnh đặc hữu”.

Các biện pháp kiểm soát đám đông

Bất chấp việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 trên toàn quốc, chính quyền địa phương vẫn tuân thủ các biện pháp kiểm soát đám đông tại các phiên chợ vì biến chủng Omicron vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

Với số lượng người tham gia lớn, chính phủ Malaysia phải ra khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên mang con cái, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine, các phiên chợ Ramadan.

Tại phiên chợ nơi cô Deltisusanti đang bán hàng, Hội đồng thành phố Petaling Jaya đang thử một phương pháp kiểm soát đám đông mới. Các quầy hàng được bày ngoài trời, nằm dọc theo một con đường chính với các lối ra – vào ở hai đầu và được kiểm tra bởi lực lượng an ninh trong thành phố.

Hệ thống cảm biến, kiểm soát số lượng người trong đám đông tại phiên chợ Ramadan ở Malaysia. Ảnh: CNA

Hệ thống cảm biến, kiểm soát số lượng người trong đám đông tại phiên chợ Ramadan ở Malaysia. Ảnh: CNA

Du khách đến phiên chợ được yêu cầu đăng ký thông qua ứng dụng theo dõi địa chỉ liên hệ. Đồng thời, ở cả hai lối vào đều có màn hình cảm biến để đo số lượng người đã vào khu vực. Các con số được cập nhật theo thời gian thực để phản ánh đám đông.

Khi số lượng người bên trong chợ lên đến 500 người, các nhân viên sẽ ngăn các du khách mới vào. Họ phải xếp hàng và đợi cho đến khi một số người bên trong khu vực chợ đã ra ngoài.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều này đang gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Kết thúc một ngày mưa vào tuần trước, ông Azlan Mohd, người có quầy bán bánh Roti John trong phiên chợ, nói rằng phương pháp kiểm soát đám đông đang được hội đồng thành phố thử nghiệm có một số hạn chế.

Một gian hàng bán đồ tráng miệng Trung Đông tại phiên chợ Ramadan. Ảnh: CNA

Một gian hàng bán đồ tráng miệng Trung Đông tại phiên chợ Ramadan. Ảnh: CNA

“Ở đây có 250 gian hàng, nhưng hôm nay chỉ mở một cửa ra vào và giới hạn là 300 du khách. Nhưng với 300 người này, cùng một lúc thì sẽ có bao nhiêu người đang đi bộ và bao nhiêu người đang thực sự mua đồ ăn?”, ông than thở và nói thêm rằng, một cửa ra vào khác giúp giảm tải hơn 200 người, đã không hoạt động vào ngày hôm đó.

Ông cho biết, một số người đã dành nhiều thời gian bên trong chợ và khiến người đứng chờ đợi xếp thành một hàng dài ở lối vào. “Nếu chờ đợi lâu quá, họ có thể bỏ về. Với những ngày mưa như hôm nay, doanh số bán hàng sẽ còn chậm hơn”, ông nói.

Sự háo hức của du khách

Tuy nhiên, đối với những những người thích ghé thăm các chợ Ramadan, họ đều cảm thấy hạnh phúc khi lại có thể hòa mình vào bầu không khí tấp nập.

Tại chợ TTDI, ông Jonathan Hurley và vợ, háo hức đi từ gian hàng này sang gian hàng khác để xem những gì được bày bán. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi chợ Ramadan kể từ khi tháng ăn chay bắt đầu”, ông nói.

Hai vợ chồng ông Jonathan Hurley và bà Rozzfariza tại một gian hàng bán bánh Murtabak. Ảnh: CNA

Hai vợ chồng ông Jonathan Hurley và bà Rozzfariza tại một gian hàng bán bánh Murtabak. Ảnh: CNA

Ông kể rằng, hai vợ chồng ông đã nấu ăn rất nhiều tại nhà để vượt qua hai tháng Ramadan của năm 2020 và năm 2021 khi các chợ đóng cửa. “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã nấu ăn rất nhiều ở nhà và không phải sử dụng nhiều đồ nhựa. Nhưng dù thế nào đi nữa, tháng Ramadan của năm nay vẫn thực sự tốt đẹp”, ông Hurley nói.

Vợ ông Hurley, bà Rozzfariza cũng chia sẻ rằng, dù đã đi các phiên chợ Ramadan suốt 20 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên bà cảm thấy sự mới lạ khi quay trở về cuộc sống bình thường.

Cô Azuwa Mohd Nor, 43 tuổi, cùng chồng và con gái mới biết đi của mình dạo chơi trong phiên chợ, cho biết: “Sau hai năm không thể đến chợ Ramadan, hôm nay tôi rất vui khi được ra ngoài cùng gia đình”.

“Đây là một dịp đặc biệt và chúng ta có thể có thể biến các cuộc dạo chơi này trở nên ý nghĩa hơn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn phải nhớ tuân thủ các tắc phòng dịch để bảo vệ sức khỏe”, cô nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp