Các rào cản với Twitter mà tỷ phú Elon Musk cần vượt qua

CÔNG NGHỆ MỸ
16:16 - 29/10/2022
Sau khi tạm nắm quyền giám đốc điều hành mới của Twitter, ông Elon Musk sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Reuters
Sau khi tạm nắm quyền giám đốc điều hành mới của Twitter, ông Elon Musk sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chính thức tiếp quản nền tảng mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD, giám đốc điều hành Tesla và hiện tại là giám đốc điều hành Twitter Elon Musk sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn phía trước.

Hồi đầu tháng 10, tỷ phú này thẳng thắn cho biết ông và các nhà đầu tư khác rõ ràng là đang trả một mức giá quá cao cho Twitter. Tuy nhiên, ông tin rằng tiềm năng dài hạn của nền tảng này còn lớn hơn giá trị hiện tại rất nhiều và ông còn một số kế hoạch muốn thực hiện.

Dù vậy, để có thể thực hiện được các dự định của mình, nhà sở hữu mới của Twitter sẽ phải vượt qua hàng loạt các vấn đề trước mắt liên quan tới sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như về vấn đề quảng cáo và các vấn đề khác.

Tuân thủ theo luật lệ

Ngay từ khi đề xuất mua lại Twitter xuất hiện, ông Musk đã đưa ra cam kết sẽ mang đến tự do ngôn luận đích thực trên Twitter. Để thể hiện tinh thần này, ông cũng tuyên bố thỏa thuận đã thành công bằng dòng tweet “con chim đã được tự do”, ám chỉ hình ảnh con chim xanh được lấy từ biểu tượng của nền tảng Twitter.

Tuy nhiên chỉ 3 giờ sau đó, Ủy viên châu Âu Thierry Breton đã đáp với thái độ cứng rắn rằng: "Ở châu Âu, các con chim phải bay theo quy tắc của chúng tôi". Reuters cho biết ông cũng khẳng định thái độ ủng hộ của mình với quy định truyền thông kỹ thuật số mới của EU - một trong những phương pháp tiếp cận được coi như khắc nghiệt nhất trên thế giới nhằm điều chỉnh nội dung trực tuyến. Cụ thể, các đề nghị này sẽ buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết nội dung bất hợp pháp hoặc chịu nguy cơ bị phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu.

Trong khi đó tại thị trường tỷ dân Ấn Độ, các nhà quản lý hôm 28/10 cũng đã nhắc nhở ông Elon Musk về quy định của pháp luật. Reuters trích dẫn ông Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng phụ trách điện tử và công nghệ thông tin của Ấn Độ cho biết các quy tắc và luật pháp của quốc gia này vẫn có hiệu lực như cũ bất kể ai sở hữu nền tảng.

Trên thực tế, các động thái này từ các nhà lãnh đạo trên thế giới làm nổi bật lên tình thế giằng co đã xảy ra trong nhiều năm giữa Twitter và các chính phủ trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trực tuyến.

Theo ông Jason Goldman, cựu thành viên hội đồng quản trị Twitter, việc ông Musk lên nắm quyền sẽ khiến tình hình trở nên khó dự đoán và đáng lo ngại hơn. Ngoài ra, việc Tesla mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc - thị trường đã đem lại 14 tỷ USD doanh thu cho tập đoàn trong năm 2021 - càng khiến các nhà đầu tư lo ngại Twitter sẽ gặp rủi ro. Từ trước tới nay, các nền tảng như Twitter và Google hay Facebook đều không hoạt động tại thị trường này.

Tỷ phú Elon Musk sẽ phải đối mặt với các rào cản pháp lý trong việc thực hiện cam kết tự do ngôn luận của mình. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Elon Musk sẽ phải đối mặt với các rào cản pháp lý trong việc thực hiện cam kết tự do ngôn luận của mình. Ảnh: Reuters

Kiểm duyệt nội dung

Ngay sau khi tiếp quản Twitter, ông Elon Musk đã ngay lập tức sa thải một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn và còn công bố kế hoạch sẽ sa thải tới 75% số lượng nhân viên hiện tại. Trong số những nhân viên sẽ bị sa thải, nhiều người lo sợ các thành viên của đội tin cậy và an toàn của Twitter bao gồm người kiểm duyệt nội dung sẽ nằm trong số những người bị cắt giảm việc làm.

Theo các nhân viên và cựu nhân viên của Twitter trả lời hãng tin Reuters, việc bỏ hàng rào bảo vệ nội dung của Twitter này sẽ mang đến hệ quả khó lường. Những người này cho rằng kế hoạch sẽ dẫn tới một lượng lớn nội dung thù địch, độc hại và có khả năng bất hợp pháp trên Twitter trong bối cảnh mà nền tảng này vốn đang phải vật lộn với việc xác định và xóa các nội dung ấu dâm.

Ngăn chặn các nhà quảng cáo rời bỏ Twitter

Việc tỷ phú Elon Musk chính thức tiếp quản Twitter không chỉ đem lại lo ngại về các vấn đề pháp lý mà còn khiến các nhà quảng cáo lo ngại. Cụ thể, những doanh nghiệp này cho rằng việc ông Musk khôi phục lại tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trở ngại lớn đối với việc chi tiền quảng cáo trên Twitter.

Trước đó, Twitter đã đình chỉ tài khoản của ông Trump vĩnh viễn do nguy cơ kích động thêm bạo lực sau cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ ngày 6/1/2021.

Về nguyên nhân, ông Mark DiMassimo, nhà sáng lập công ty quảng cáo DiMassimo Goldstein, nhận định việc chào đón ông Trump trở lại Twitter có thể khiến những người dùng có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ xa lánh. Kết quả là các thương hiệu gia dụng lớn nhằm mục đích tiếp thị sản phẩm và thu hút mọi người từ các quan điểm chính trị khác nhau sẽ không muốn lựa chọn Twitter.

Phản ứng lại các nghi ngờ này, vào đêm trước khi thỏa thuận ​​kết thúc, ông Musk đã trực tiếp kêu gọi các nhà quảng cáo trong một dòng tweet: "Twitter rõ ràng sẽ không trở thành nơi mọi người có thể nói cái gì cũng được mà không phải chịu hậu quả… Twitter mong muốn trở thành nền tảng quảng cáo được tôn trọng nhất trên thế giới, từ đó giúp củng cố thương hiệu và phát triển doanh nghiệp của bạn".

Siêu ứng dụng

Trong toàn bộ thương vụ mua lại Twitter này, khoản đặt cược lớn nhất của ông Elon Musk có lẽ chính là tham vọng biến Twitter thành một siêu ứng dụng có thể làm mọi thứ như những gì ông từng tiết lộ hồi đầu tháng 10.

Ý tưởng về một ứng dụng toàn năng được ông lấy cảm hứng từ sự thành công của các siêu ứng dụng như WeChat tại thị trường Trung Quốc, nơi người dùng có thể gửi tin nhắn, thanh toán, mua sắm trực tuyến và cả gọi taxi.

Theo lời của vị tỷ phú này với các nhà đầu tư, ông có kế hoạch xây dựng một nền tảng nơi người dùng đăng ký trả phí để giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo - lĩnh vực chiếm tới 90% nguồn doanh thu của Twitter hiện tại.

Tuy nhiên không có nhiều chuyên gia tỏ ra tin tưởng vào kế hoạch này. Ông Scott Galloway, đồng chủ trì của podcast Pivot và là giáo sư marketing tại Đại học New York, cho biết thị trường Mỹ không phát triển được bất kỳ siêu ứng dụng nào vì rào cản pháp lý lớn. Trên hết, người dùng cũng có quá nhiều lựa chọn ứng dụng.

Ngoài ra, các tập đoàn công nghệ như Alphabet với nền tảng Google và Apple - những công ty kiểm soát các cửa hàng ứng dụng trên iPhone và điện thoại Android - vốn vẫn tự coi mình là siêu ứng dụng. Vì vậy, họ sẽ không cho phép các siêu ứng dụng khác phát triển. Việc Apple từ chối kế hoạch bán sách nói của Spotify gần đây là một ví dụ về các rào cản mà Twitter sẽ phải đối mặt.

Sự khó khăn trong thanh toán cũng là một vấn đề cần giải quyết do nó thường yêu cầu xác minh danh tính và từ đó có thể làm phức tạp thêm tính năng cho phép ẩn danh của Twitter. Ông Scott do đó tin rằng một siêu ứng dụng không thể được phát triển trong thời đại phát triển hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.