Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 8 tháng đầu năm

Nhập khẩu Việt nAM
07:45 - 26/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, 67% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đến từ 5 thị trường lẻ, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, còn nếu tính cả thị trường khối có thêm EU và ASEAN.

Theo Tổng cục Hải quan, tính theo thị trường đơn lẻ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 81,7 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 43,4 tỷ USD, tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 16 tỷ USD, Nhật Bản đạt 15,9 tỷ USD và Mỹ đạt 9,9 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2018 -2021, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc đã tăng lên gần gấp rưỡi, từ 65,5 tỷ USD (năm 2018) lên 110,5 tỷ USD (năm 2021). Các thị trường khác cũng ghi nhận tăng trưởng tốt như Hàn Quốc tăng từ 47,5 tỷ USD lên 56,3 tỷ USD; Đài Loan từ 13,2 tỷ USD lên 20,7 tỷ USD; Nhật Bản từ 19 tỷ USD lên 20,7 tỷ USD.

Riêng thị trường Mỹ, sau khi ghi nhận tăng trưởng lạc quan giai đoạn 2018 – 2019 (từ 12,7 tỷ USD lên 14,4 tỷ USD), bước sang năm 2020 nhập khẩu lại giảm xuống còn mức 13,7 tỷ USD và bắt đầu phục hồi lại vào năm 2021 khi đạt 15,2 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 81,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong số các mặt hàng nhập khẩu có tới 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Đứng đầu bảng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,65, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Kế đến là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 16,6 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5%. Điện thoại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, giảm nhẹ 4%.

Nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu dệt may lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 9 trong bảng xếp hạng, tương ứng đạt 6,5 tỷ USD và 2,3 tỷ USD. Việt Nam hiện là một trong các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành dệt may lại được đánh giá khá “mỏng manh” khi phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Đối với mặt hàng nông sản, mặc dù Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu gần nửa tỷ USD hàng rau quả từ thị trường tỷ dân này, tăng tới 74% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng thủy sản cũng đạt 150 triệu USD, tăng 31%.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 43,4 tỷ USD hàng hóa từ Hàn Quốc, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 16,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mặt hàng duy nhất nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Tiếp theo là điện thoại và linh kiện đạt 7,2 tỷ USD, tăng 24%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt đạt 4,3 tỷ USD, tăng nhẹ 2%. Các mặt hàng chính nhìn chung đều tăng trưởng dương, ngoại trừ kim loại, sản phẩm từ sắt thép và sản phẩm từ chất dẻo, giảm lần lượt 3%, 1% và 5%.

Xăng dầu là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 4, đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng tới 249%. Đây cũng là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua ghi nhận nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc đạt mốc 2 tỷ USD. Hiện Hàn Quốc cũng là thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 38% về lượng và 40% về trị giá trong tổng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 16 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác ngoại thương lớn thứ 10 của Đài Loan và lớn thứ 3 trong khối ASEAN.

Tính chung 8 tháng đầu năm, có 3 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Đài Loan đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,8 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Vải các loại đạt 1,3 tỷ USD, tăng 13%. Chất dẻo nguyên liệu đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ 3%.

Nhập khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 12%, xuống còn 380 triệu USD. Cao su nhập khẩu từ Đài Loan cũng giảm 10%, đạt 109 triệu USD.

Về mặt hàng nông sản, hàng thủy sản nhập khẩu đạt mức 126 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng chính nhập khẩu từ Đài Loan.

8 tháng đầu năm, Nhật Bản xuất khẩu 15,9 tỷ USD hàng hóa vào Việt Nam, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 3 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,8 tỷ USD, tăng 36%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% và sắt thép các loại đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20%.

Một số mặt hàng chính khác có mức tăng trưởng nhẹ như linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 575 triệu USD, tăng 9%; chất dẻo nguyên liệu đạt 468 triệu USD, tăng 7%; vải đạt 447 triệu USD, tăng 5%...

Đáng chú ý, trong các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản, xăng dầu có mức tăng kỷ lục về trị giá khi lên tới +32.566% (tương ứng gấp 326 lần so với cùng kỳ năm 2021). Sản lượng nhập khẩu cũng tăng từ 592 m3 (năm 2021) lên 90.473 m3 (năm 2022). Đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các nước Việt Nam nhập khẩu xăng dầu.

Trong các tháng đầu năm, thị trường thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu. Đặc biệt, khi nền kinh tế các nước phục hồi, nhu cầu xăng dầu càng tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu gặp cạnh tranh lớn. Trong nước, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong hai nhà máy cung cấp xăng, dầu chính cho Việt Nam) đã có khoảng thời gian giảm sản lượng xuống mức 55 – 80% công suất. Điều này đã buộc Việt Nam phải tăng nguồn cung từ các thị trường khác, trong đó bao gồm Nhật Bản.

Trong vòng 27 năm qua, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng từ 0,13 tỷ USD (năm 1995) lên mức 15,2 tỷ USD (năm 2021), tương ứng tăng gấp 116 lần.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 9,9 tỷ USD hàng hóa, tương ứng bằng 65% kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ năm 2021. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm từ Mỹ lại giảm 3%. Đây là thị trường duy nhất trong 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất ghi nhận tăng trưởng âm do một số mặt hàng nhập khẩu chính giảm.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ bao gồm các sản phẩm điện tử, bông và thức ăn chăn nuôi, các nguyên liệu. Trong đó, một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng âm lên 2 con số, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 23%, đạt 2,4 tỷ USD; thức ăn gia súc giảm 18%, đạt 451 triệu USD; phế liệu sắt thép giảm 30%, đạt 363 triệu USD…

Nếu tính cả thị trường đơn lẻ và khối thị trường, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ASEAN hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 32,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 28,2 tỷ USD). Đứng thứ 5 là thị trường EU, đạt 10,3 tỷ, giảm 6% (cùng kỳ năm 2021 đạt 11 tỷ USD).

Tin liên quan

Đọc tiếp