Các vụ thao túng chứng khoán gây chấn động trong lịch sử tài chính

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
08:27 - 31/03/2022
Phố Wall, Mỹ. Ảnh: AP
Phố Wall, Mỹ. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong nhiều năm qua, một loạt vụ lừa đảo cổ phiếu và thao túng thị trường đã xảy ra trên Phố Wall và các thị trường chứng khoán khác trên khắp thế giới, với tác động của không ít vụ vẫn còn lưu lại cho đến tận ngày nay.

Theo Finance Yahoo, trong những năm gần đây, một trong những câu chuyện lừa đảo cổ phiếu gây chú nhất liên quan tới sự thất bại của công ty game mang tên GameStop. Câu chuyện được bắt đầu khi một số quỹ phòng hộ lớn đã bán khống cổ phiếu của GameStop vì cho rằng nó được định giá quá cao.

Tuy nhiên, một nhóm người dùng trên nền tảng mạng xã hội Reddit thuộc một sub reddit (tương tự như group trên Facebook) mang tên “Wall Street Bets” đã tập hợp lại với nhau và mua cổ phiếu của công ty này với số lượng lớn. Động thái này khiến cổ phiếu của hãng tăng hơn 400%, dẫn tới thiệt hại nhiều tỷ USD cho các quỹ phòng hộ này.

Ngoài ví dụ này, còn có những vụ việc lớn khác hiện diện khắp nơi trong dòng lịch sử. Tài chính thường là một lĩnh vực phức tạp, được tạo ra có chủ đích phức tạp nên chỉ một số người có thể điều động thị trường một cách hiệu quả. Do đó, thị trường chứng khoán thường mang theo nguy cơ lừa đảo không được phát hiện ngay lập tức.

Ông Richard Whitney - Cựu chủ tịch NYSE. Ảnh: US Library of Congress

Ông Richard Whitney - Cựu chủ tịch NYSE. Ảnh: US Library of Congress

Con bạc đen đủi Richard Whitney

Ông Richard Whitney là chủ tịch của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) từ năm 1930 đến năm 1935. Ngày 24/10/1929, với tư cách là đại diện cho một nhóm các chủ ngân hàng, ông đã mua cổ phần của nhiều công ty cùng một lúc, tạo ra một sự thay đổi đáng kể trên thị trường. Hành động này khiến nhiều người tung hô ông Richard như một người hùng. Tuy nhiên vào 5 ngày sau đó, những cổ phiếu tăng giá nói trên đã bị rớt thê thảm.

Ông Whitney đã trở thành một con bạc đen đủi khi cố gắng thao túng cổ phiếu của các công ty nhỏ (hay penny stock) và cổ phiếu của các công ty lớn (blue-chip stock). Để bù đắp cho khoản lỗ, ông vay tiền từ bạn bè, người thân và những người quen đang làm ăn của mình. Điều này cho phép ông mua càng nhiều cổ phiếu hơn nữa tại một thị trường đang trên bờ vực sụp đổ, và chính việc này khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Dù đang thua lỗ lớn, ông vẫn tiếp tục hưởng thụ lối sống xa hoa. Khi không còn vay được tiền để đổ vào cổ phiếu nữa, ông bắt đầu biển thủ từ các khách hàng của mình cũng như từ một tổ chức giúp đỡ những người gặp khó khăn và trẻ em mồ côi. Hành vi thao túng thị trường của ông đạt đỉnh điểm khi cố gắng cướp Quỹ tài trợ của NYSE, quỹ được cho là sẽ trả 20.000 USD cho tài sản của mỗi thành viên khi chết.

Sau khi một đợt kiểm toán, tội danh của ông Whitney bị phát hiện và ông bị cáo buộc tội tham ô và bị kết án từ 5 đến 10 năm tù. Do hành vi sai trái của ông này, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch mới được thành lập của Mỹ khi đó (SEC) mới bắt đầu đặt ra giới hạn về số nợ mà các công ty có thể có và tách tài khoản khách hàng khỏi tài sản của các công ty môi giới.

Ông Ivan Boesky. Ảnh: Getty Images

Ông Ivan Boesky. Ảnh: Getty Images

Kẻ thao túng thị trường Ivan Boesky

Một tên tuổi nổi tiếng khác gắn với bê bối thị trường là Ivan Boesky, người bắt đầu sự nghiệp tại Phố Wall với tư cách là một nhà phân tích chứng khoán. Năm 1975, ông thành lập công ty kinh doanh chênh lệch giá của riêng, và đến những năm 1980, tài sản ròng của ông ước tính lên tới hàng trăm triệu USD. Về công việc của mình, ông Boesky tìm kiếm các công ty là mục tiêu của việc sáp nhập, sau đó sẽ mua cổ phần của những công ty đó với suy đoán rằng tin tức về việc tiếp quản sẽ sớm được công bố. Sau đó, ông sẽ bán số cổ phiếu này để kiếm lời khi thông báo được đưa ra.

Trong suốt những năm 1980, việc sáp nhập và tiếp quản công ty đã trở nên vô cùng phổ biến. Theo một bài báo ngày 1/12/1986 trên tạp chí Time, đã có gần 3.000 thương vụ sáp nhập trị giá 130 tỷ USD chỉ trong năm đó. Tuy nhiên, thành công của ông Boesky hoàn toàn không phải là tự nhiên.

Trước khi các giao dịch được công bố, giá cổ phiếu đã trên đà tăng do có người tung tin nội bộ rằng một đợt mua lại bằng đòn bẩy (LBO) sẽ được công bố. Đây là một dấu hiệu của giao dịch nội gián bất hợp pháp. Sự tham gia của ông Boesky vào hoạt động bất hợp pháp này đã bị phát hiện vào năm 1986 khi Tập đoàn Maxxam đề nghị mua lại công ty Pacific Lumber. Vào khoảng 3 ngày trước khi thương vụ được công bố, ông Boesky đã mua 10.000 cổ phiếu.

Kết quả của những hoạt động giao dịch nội gián bất hợp pháp này là ông Boesky bị buộc tội thao túng cổ phiếu dựa trên thông tin nội bộ ngày 14/11/1986. Sau cùng, ông đồng ý nộp phạt 100 triệu USD và ngồi tù. Ngoài việc phải ngồi tù, ông cũng bị cấm giao dịch cổ phiếu chuyên nghiệp suốt đời.

Do Boesky cũng hợp tác với SEC, đồng thời ghi lại các cuộc trò chuyện của mình với các công ty trái phiếu rác và các công ty tiếp quản, cả ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert và giám đốc điều hành cấp cao nhất của nó là Michael Milken, đều bị buộc tội gian lận chứng khoán.

Sau khi vụ việc của ông Boesky bị phanh phui, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật giao dịch nội gián năm 1988. Cụ thể, đạo luật này tăng hình phạt đối với giao dịch nội gián, cung cấp phần thưởng tiền mặt cho những người tố giác và cho phép các cá nhân kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm giao dịch nội gián.

Ông Michael Milken. Ảnh: AP

Ông Michael Milken. Ảnh: AP

Vua trái phiếu rác Michael Milken

Vào những năm 1980, Michael Milken được biết đến là ông vua trái phiếu rác. Trái phiếu rác (còn được gọi là trái phiếu lợi suất cao) chính là một khoản đầu tư nợ vào một công ty có khả năng vỡ nợ cao nhưng mang lại tỷ suất sinh lợi cao nếu công ty đó trả lại tiền.

Danh tiếng của ông Milken trong lĩnh vực này chính là số một và nằm trong top đầu. Ông đã sử dụng các trái phiếu này để tài trợ cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&As) cũng như các khoản mua lại bằng đòn bẩy (LBO) cho những người đang muốn mua lại công ty. Bất chấp tên gọi của chúng, nợ chứng khoán hay "trái phiếu rác" thực sự có thể làm giảm rủi ro trong danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, tất cả những gì mà ông Milken làm lại là tạo ra một sơ đồ kim tự tháp phức tạp. Khi một công ty vỡ nợ, ông sẽ tái cấp vốn thêm một số khoản nợ cho công ty này. Nhờ vào hành vi này, cả ông Milken và ông Drexel Burnham Lambert có thể tiếp tục kiếm được lợi nhuận lớn. Công ty kiếm được ít nhất một nửa lợi nhuận từ các hành vi này của ông Milken.

Sau đó, ông Milken cũng bắt đầu mua cổ phiếu của các công ty có khả năng trở thành mục tiêu tiếp quản tiềm năng. Khi ông Boesky bị buộc tội giao dịch nội gián vào năm 1986, ông đã kéo cả công ty và ông Milken vào. Chính vì điều này, công ty của ông Milken phải chịu hơn nhiều cáo buộc hình sự. Bản thân ông Milken thì bị kết án 10 năm tù và nộp 1 tỷ USD tiền phạt.

Một nhà đầu tư bán cổ phần của Bre-X tại Toronto, Canada. Ảnh: Reuters

Một nhà đầu tư bán cổ phần của Bre-X tại Toronto, Canada. Ảnh: Reuters

Michael de Guzman và Công ty khai thác mỏ Bre-X

Bre-X là một công ty khai thác mỏ của Canada nhưng ông Michael De Guzman lại là người Philippines. Dưới tư cách nhà địa chất chính của Bre-X, ông có quyền truy cập vào các mẫu vật lấy từ một mỏ vàng tại Indonesia.

Theo đó ông De Guzman đã góp mặt vào vụ gian lận khai thác lớn nhất trong lịch sử hiện đại bằng cách làm giả các mẫu vật vàng để tung tin giả rằng công ty đã tìm thấy một mỏ vàng lớn. Vụ gian lận này được thực hiện bằng cách chèn thêm vàng vào các mẫu vật để khiến mỏ vàng tại Indonesia có nhiều vàng hơn thực tế. Theo thời gian, ước tính số lượng vàng cho mỏ này đã tăng lên mức gần 5,7 triệu kg trong khi Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ có khoảng 7 triệu kg vàng trong kho dự trữ của mình.

Kết quả là cổ phiếu giá trị thấp chỉ ở mức 4 cent của công ty nhanh chóng leo lên mức cao 200 USD. Đối với các nhà đầu tư, điều này có nghĩa là khoản đầu tư 200 USD ban đầu sẽ tăng lên 1,25 triệu USD.

Tuy nhiên, các nhà địa chất độc lập đã nghi ngờ về những con số này và chính phủ Indonesia cũng bắt đầu vào cuộc. Sau khi bị phát hiện, ông De Guzman đã nhảy xuống từ một chiếc trực thăng để tự sát. Cổ phiếu Bre-X giảm mạnh ngay lập tức và khiến các nhà đầu tư thiệt hại 6 tỷ USD. Tới năm 1997, Bre-X nộp đơn xin phá sản.

Ông Bernard Ebbers, cựu giám đốc điều hành WorldCom. Ảnh: AP

Ông Bernard Ebbers, cựu giám đốc điều hành WorldCom. Ảnh: AP

Kẻ gian lận báo cáo tài chính Bernard Ebbers

Được biết đến với cái tên "Bernie", ông từng là Giám đốc điều hành của một công ty viễn thông đường dài có tên là WorldCom. Trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ, ông đã đưa công ty lên vị trí thống trị trong ngành viễn thông tại Mỹ. Tuy nhiên không lâu sau đó vào năm 2002, công ty này đã đệ đơn xin phá sản lớn nhất trong lịch sử tài chính nước Mỹ.

Cụ thể trong khoảng thời gian 6 năm, WorldCom đã thực hiện tổng cộng 63 vụ mua lại, trong đó lớn nhất là thương vụ MCI năm 1997. Tất cả các vụ mua lại này đều tạo ra vấn đề cho công ty vì rất khó để tích hợp công ty cũ với từng công ty mới. Thêm vào đó, các thương vụ mua lại cũng đã tạo nên một khoản lớn nợ trong bảng cân đối kế toán của công ty.

Do đó để có thể tiếp tục tăng thu nhập, công ty này đã xóa bỏ hàng triệu USD khoản lỗ mà mình đang mắc phải trong quý hiện tại và sau đó chuyển các khoản lỗ nhỏ hơn trong tương lai để tạo ra nhận thức rằng công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn thực tế. Điều này giúp WorldCom có khả năng tính các khoản phí nhỏ đối với thu nhập của mình hàng năm và dàn trải các khoản lỗ lớn trong nhiều thập kỷ.

Kế hoạch này vẫn đang hoạt động hiệu quả cho đến khi Bộ Tư pháp Mỹ từ chối việc mua lại Sprint của WorldCom vào năm 2000 do lo ngại rằng các công ty kết hợp sẽ thống trị ngành viễn thông của quốc gia. Việc này đã buộc WorldCom phải khiến các thương vụ sáp nhập trước đây của mình trở nên hiệu quả. Do đó, điều này tương đương với việc tất cả những tổn thất mà công ty phải gánh chịu từ các thương vụ mua lại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty.

Khi WorldCom đệ đơn phá sản, công ty cũng thừa nhận rằng mình đã ghi nhận khoản lỗ từ các vụ mua lại từ năm 1999 đến năm 2002 một cách không chính xác. Bản thân ông Ebbers cũng đã vay cá nhân từ công ty. Vào tháng 4/2002, ông từ chức Giám đốc điều hành và sau đó bị kết tội gian lận, âm mưu và nộp tài liệu sai cho SEC. Ông bị phạt tù 25 năm vì các hành vi của mình.

Sau khi vụ tai tiếng của ông Ebbers bị phát hiện ra, Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 đã ra đời nhằm thắt chặt tiêu chuẩn báo cáo tài chính hơn. Ngoài ra, các quan chức công ty cũng bị cấm cho vay cá nhân và hình phạt cho tội phạm tài chính cũng được nâng lên cao hơn.

Một cửa hàng Lunkin Coffee tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Một cửa hàng Lunkin Coffee tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Chuỗi cà phê Lunkin Coffee tại Trung Quốc

Chỉ mới được thành lập năm 2017 tại Bắc Kinh, chuỗi cà phê Lunkin Coffee đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng vô cùng nhanh. Tới năm 2020, số lượng các cửa hàng của công ty này thậm chí còn vượt qua cả chuỗi cà phê đình đám Starbucks.

Tuy nhiên sau đó, lợi nhuận của công ty bị lộ ra là đã bị bơm thêm 310 triệu USD cho năm tài chính 2019. Giá cổ phiếu của công ty sụt giảm nghiêm trọng và nhiều giám đốc điều hành của công ty đã bị sa thải trong khi giao dịch của công ty bị đình chỉ. Sau khi bị hủy giao dịch trên sàn NASDAQ, vào tháng 2/2021, công ty nộp đơn xin phá sản cùng với thừa nhận rằng hơn 25% hoạt động kinh doanh của mình là giả mạo.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.