Cấm thực hiện quyền sở hữu trí tuệ gây cản trở sử dụng Quốc ca

Luật QUỐC HỘI
15:55 - 31/05/2022
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là những biểu tượng thiêng liêng của đất nước, do vậy cần bổ sung quy định cấm thực hiện quyền sở hữu trí tuệ gây cản trở việc phổ biến các biểu tượng quốc gia này.

Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, tại phiên họp sáng 31/5 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7.

Cụ thể, nội dung chỉnh lý quy định việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 Hiến pháp năm 2013. Trong đó, Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Hiện nay, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết.

Đưa ra ý kiến về nội dung này, Đại biểu Phạm Văn Hòa đến từ Đồng Tháp cho rằng, Quốc hội đưa việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn.

Ảnh tác giả

“Vừa qua có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta. Cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ để không ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là rất cần thiết”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Cùng tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh đến từ Đồng Tháp nhấn mạnh Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước có ý nghĩa và giá trị tinh thần đặc biệt to lớn.

Theo ông Hải Anh, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao không chỉ ở trong nước, nước ngoài mà còn diễn ra trên không gian mạng, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền liên quan đến các đối tượng đặc biệt này.

“Dưới góc độ bản quyền có thể xảy ra vụ việc, nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định của pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam hoặc lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Với các lý do trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ hoàn toàn nhất trí và đồng tình cao với việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đề nghị làm rõ thế nào là tài sản trí tuệ

Một trong những vấn đề cấp thiết của Luật Sở hữu trí tuệ được đại biểu Quốc hội kiến nghị tại phiên họp là làm rõ khái niệm “tài sản trí tuệ”. Đại biểu Thạch Phước Bình đến từ Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ” nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ.

“Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình thì trong kinh tế số, tài khoản tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm dữ liệu, hệ thống thông tin. Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ”, ông Phước chỉ ra.

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận, rất khó để có định nghĩa chung về tài sản trí tuệ bởi đây là một lĩnh vực rộng bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra và mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù và đặc trưng riêng, khác biệt các loại khác.

“Mặt khác, tài sản trí tuệ được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau và pháp luật về sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài sản trí tuệ. Việc bảo hộ, bảo vệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định gồm 3 nhóm: Quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng”, ông Tùng cho biết thêm.

Ảnh: Quochoi.vn

Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên thảo luận

“Do vậy việc bổ sung khái niệm 'tài sản trí tuệ' rất khó để bảo đảm tính bao quát và cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động trong mối quan hệ với các luật có liên quan khác như Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng. Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này”.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng giải trình nội dung về quyền nhân dân, bảo vệ quyền nhân thân, quyền sở hữu công nghiệp. Ông nêu rõ sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, có giải trình thấu đáo các nội dung để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất trước khi để trình Quốc hội thông qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp