Cận cảnh các chỉ số kinh tế TP HCM quý I

Tp hcm Báo cáo
06:00 - 02/04/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo kinh tế - xã hội mới công bố của TP HCM, hoạt động công nghiệp của thành phố bắt đầu hồi phục trở lại trong tháng 2 và 3, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1 chỉ còn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 1 tháng năm 2023 giảm 15,3%, 2 tháng giảm 2,3% và đến hết quý 1 còn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ trong quý 1 giảm 6,4%, chỉ số tồn kho tăng 4% và chỉ số lao động giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong đó có 15/30 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý 1 của TP HCM tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức tăng rất chậm và có xu hướng giảm. Trong đó, 1 tháng tăng 5,7%, 2 tháng tăng 6,1% nhưng 3 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 4,7%.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 9,1%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 37,2%; dịch vụ du lịch lữ hành tăng 84,5%; dịch vụ khác giảm 10,9%.

Về xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tiêu dùng giảm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ kho bãi, logistic và hỗ trợ vận tải giảm 20,9%.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố đạt 12,5 tỷ USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu chi ngân sách Nhà nước, tổng thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2023 đạt 26,6% dự toán và giảm 1,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 28,7% dự toán và tăng 1,8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 3 tháng đầu năm 2023 giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1/2023, thành phố có 9.788 doanh nghiệp thành lập mới và 4.467 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên có đến 12.621 doanh nghiệp ngưng hoạt động và 877 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể. Như vậy, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tỷ lệ này của năm 2022 là 50%).

Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 vốn đăng ký đạt 9,1 tỷ đồng/doanh nghiệp (năm 2021: 20,7 tỷ đồng/DN; năm 2022: 15,5 tỷ đồng/DN).

Dự án FDI đăng ký cấp mới vào TP HCM có tín hiệu tích cực khi lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 có 216 dự án FDI cấp mới, tăng 70% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 127 dự án) và tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 133 triệu USD tăng 30% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 102 triệu USD).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm 2023 của TP HCM tăng 4,5% so với cùng kỳ cao hơn 0,32 điểm phần trăm so với cả nước (cả nước CPI tăng 4,18%). Trong đó có 9/11 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ năm 2022 (nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 15,3%) và 2/11 nhóm hàng giảm giá (nhóm hàng giao thông giảm 1,27%).

Ước tính giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 của TP HCM đạt 952 tỷ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao (cùng kỳ giải ngân đạt 1.604 tỷ đồng).

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 của TP HCM

Theo báo cáo, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, TP HCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút FDI, tiếp tục đào tạo và giới thiệu nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động du lịch, khách sạn nhà hàng sớm phục hồi như những năm trước dịch.

Trong vấn đề kiềm chế lạm phát, TP HCM sẽ đẩy mạnh Chương trình bình ổn giá của thành phố nhằm vừa giảm bớt khó khăn cho người lao động vừa kích cầu tiêu dùng.

Trong vấn đề nguồn lực vốn, TP HCM đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò là “vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài Nhà nước” cho nền kinh tế, vừa kích thích tiêu dùng vừa kích thích đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu, vì tác động lan tỏa của ngành bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế (bất động sản chiếm 3,68% GRDP thành phố).

Tiếp tục kéo dài chính sách tài khóa năm 2022 nhằm hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa theo "chu kỳ ngược" nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua đó giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng.

Đẩy nhanh hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP HCM để thu hút nguồn lực đầu tư cho Thành phố.

Về nguồn lực lao động, đánh giá toàn diện, tháo gỡ khó khăn Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục và du lịch.

Ngoài ra, TP HCM còn chú trọng tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh, Chương trình chuyển đổi số, trong đó kinh tế số là một động lực quan trọng; tăng cường xúc tiến đầu tư, thay thế, bổ sung các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu truyền thống đang gặp khó khăn...

Tin liên quan

Đọc tiếp