Cần có cơ quan chuyên trách giám sát các đơn vị xếp hạng tín nhiệm

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
10:26 - 21/05/2022
TS Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu.
0:00 / 0:00
0:00

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan này sẽ giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm, kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Xếp hạng tín nhiệm là văn hoá đã được hình thành từ lâu ở nhiều thị trường vốn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề này mới được thảo luận sôi nổi gần đây, sau một số vụ việc vi phạm trên thị trường tài chính. Hầu hết các ý kiến chuyên gia kinh tế, tài chính, nghiên cứu thị trường… đều đồng tình việc cần phải thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, góp phần phát triển bền vững thị trường vốn.

Trong đó, việc cấp thiết chính là xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến dịch vụ này, bao gồm cả đánh giá năng lực, kinh nghiệm cũng như giám sát sự minh bạch của các đơn vị xếp hạng hạng tín nhiệm.

“Người giữ cổng” cho thị trường tín dụng

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” mới đây, Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã có những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu tại Mỹ - quốc gia đang chiếm khoảng 38% thị trường trái phiếu toàn cầu. Trong đó có phần kinh nghiệm về việc xây dựng và quản lý các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất hữu hiệu.

TS Hiếu cho biết, cách đây 14 năm (2008), thị trường trái phiếu Mỹ đã trải qua một khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm 10,8% khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2008, bắt nguồn từ thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Người dân Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD và 9 triệu người mất việc.

Sau cuộc đại suy thoái đó, thị trường trái phiếu của Mỹ đã trải qua một cuộc cải cách toàn diện qua Đạo luật Dodd & Frank về cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng, được Quốc hội Mỹ ban hành năm 2010. Đạo luật có 16 chương với hàng trăm các quy định lên tới 848 trang. Bên cạnh đó là việc thành lập Hội đồng giám sát sự ổn định tài chính, Văn phòng bảo vệ tài chính người tiêu dùng và Văn phòng Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) về Xếp hạng tín nhiệm.

Đáng chú ý, Đạo luật Dodd & Frank dành riêng một chương về tăng cường tính minh bạch các công ty xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, Quốc hội Mỹ nhìn nhận các công ty xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò là “gate keeper” (người giữ cổng) cho thị trường tín dụng (trong đó có thị trường trái phiếu). Vai trò này cũng tương tự như vai trò của các công ty kiểm toán, các nhà phân tích và thẩm định chứng khoán. Chính vì vai trò này mà công ty xếp hạng tín nhiệm cần phải có sự giám sát và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Đạo luật buộc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải có những quy trình cụ thể để kiểm soát việc các nhân viên phụ trách xếp hạng tín nhiệm có thể có xung đột về lợi ích khi làm nhiệm vụ (chẳng hạn là cổ đông hay bên liên quan đến doanh nghiệp đang được xếp hạng tín nhiệm). Đồng thời là quy định việc thành lập một Văn phòng trực thuộc Uỷ ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ, chuyên trách việc giám sát các hoạt động xếp hạng tín nhiệm của các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Đạo luật cũng yêu cầu SEC quy định những công ty xếp hạng tín nhiệm phải làm rõ những phương pháp xếp hạng tín nhiệm bao gồm các quy trình xếp hạng, các chỉ tiêu và các dữ liệu định tính và định lượng, các mô hình xếp hạng và mô hình vỡ nợ. Yêu cầu SEC quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải có những quy trình để xây dựng các ký hiệu xếp hạng như AAA, BBB, CCC…

Công ty xếp hạng tín nhiệm phải có những quy trình để xây dựng các ký hiệu xếp hạng.

Công ty xếp hạng tín nhiệm phải có những quy trình để xây dựng các ký hiệu xếp hạng.

Với những giải pháp trên, thị trường trái phiếu Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, hiện lên đến khoảng 46.000 tỷ USD, chiếm khoảng 38% thị trường trái phiếu toàn cầu, nếu so với GDP của Mỹ năm 2021 khoảng 22.700 tỷ USD thì tổng dư nợ của thị trường trái phiếu của Mỹ lên đến trên 200% GDP. Thị trường trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Mỹ vì đó là nơi đầu tư cho các quỹ hưu trí của người dân.

Cần bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm

Theo TS Hiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Tuy chưa rơi vào khủng hoảng nhưng vẫn cần chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ để đảm bảo lợi ích cho người dân. Nhiều ý kiến lo ngại việc siết chặt sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường trái phiếu. Nhưng TS Hiếu cho rằng, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, TS Hiếu đề xuất, Việt Nam nên nghiên cứu những điều khoản về xếp hạng tín nhiệm Đạo luật Dodd & Frank để áp dụng. Nghị định 88 quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản như:

Quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC…

Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư để các nhà đầu tư nhận định ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về Xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động; kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm; kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ ban hành năm 2020, theo TS Hiếu cũng cần bổ sung, trong đó cần quan tâm đến những điều sau:

Trong bản báo cáo bạch, các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn để thực hiện một dự án đầu tư, với những cột mốc thời gian nhất định, và các báo cáo tiến độ thực hiện trong từng quý, từng năm).

Làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi và tính lãi suất cố định hay thả nổi và thả nổi dựa vào các chỉ số nào.

Bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ.

Khi nhà phát hành vi phạm những cam kết này thì nhà đầu tư có chế tài gì.

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế, pháp luật cũng đồng quan điểm về việc xây dựng và phát triển văn hoá xếp hạng tín nhiệm góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI: Xếp hạng tín nhiệm là vấn đề cần thúc ép. Trước mắt có thể quy định theo cách đánh đổi, nếu như doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện hoặc có thêm 1-2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Còn nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng như nhau.

TS Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính Tiền tệ Quốc gia: Cần có quy định về xếp hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Giai đoạn đầu nên bắt buộc, tuy nhiên không phải tất cả. Với các doanh nghiệp đã xếp hạng quốc tế, kiểm toán quốc tế thì không cần. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Có thể thành lập thêm các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ngoài hai đơn vị hiện có để gia tăng sự cạnh tranh. Theo thời gian, tổ chức nào yếu kém sẽ bị đào thải.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng thực tế giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh. Đó là chưa kể việc xử lý tài sản đảm bảo cũng không đơn giản. Như bất động sản, nếu doanh nghiệp không trả được trái phiếu mà phát mại tài sản đó thì quy trình thực hiện rất phức tạp. Do đó, xếp hạng tín nhiệm là một giải pháp có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp thông tin về tài chính cho nhà đầu tư, giúp họ tự đánh giá rủi ro có thể gặp phải. Tiếc là trong Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, vấn đề này vẫn chưa được đề cập rõ nét.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (SaigonRatings, một trong hai đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện nay): Xếp hạng tín nhiệm có ý nghĩa lớn trong việc phân biệt uy tín, năng lực và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn, với lãi suất thấp.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần có một quá trình liên tục xây dựng hình ảnh, giá trị thương hiệu, khả năng quản trị, quản lý điều hành… Nhìn xa hơn, đây chính là điều kiện giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự chủ động xây dựng thì sẽ cản trở sự phát triển của chính mình.

Ông Phùng Xuân Minh.

Ông Phùng Xuân Minh.

Trên các thị trường thế giới, đa phần tổ chức phát hành trái phiếu có chất lượng tín nhiệm tốt (từ mức đầu tư trở lên) đều không yêu cầu tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư quyết định đầu tư dựa trên việc tham khảo thông tin mức tín nhiệm của tổ chức phát hành. Bởi tất cả thông tin về yếu tố rủi ro vĩ mô, rủi ro ngành, rủi ro môi trường kinh doanh, rủi ro quản trị, quản lý và rủi ro tài chính (bao gồm tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của bên thứ ba) của doanh nghiệp đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm thẩm định kỹ càng. Đây là những thông tin mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được.

Tin liên quan

Đọc tiếp