Cần lưu ý gì về cách tính thuế thu nhập cá nhân?

TÀI CHÍNH Việt nAM
14:23 - 05/01/2022
Cần lưu ý gì về cách tính thuế thu nhập cá nhân?
0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2022, cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công của người lao động sẽ ra sao, mức lương bao nhiêu thì phải nộp thuế TNCN, và trường hợp nào sẽ được miễn giảm thuế TNCN?

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những loại thuế quan trọng, đóng góp không nhỏ vào nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, Thuế TNCN được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất. Thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế đã trừ đi các khoản giảm trừ. Để tính thu nhập chịu thuế, người nộp thuế phải lấy tổng thu nhập trừ các khoản thu nhập được miễn thuế.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định hiện hành, thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được chia thành 2 đối tượng khác nhau, gồm: cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Trong đó, cá nhân cư trú được chia thành 2 trường hợp: cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Song với mỗi đối tượng, mỗi trường hợp đều có cách tính thuế TNCN khác nhau, đặc biệt chỉ có cá nhân cư trú mới được tính giảm trừ gia cảnh.

Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó, thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ.

Các khoản thu nhập miễn thuế từ tiền lương, tiền công gồm: phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định pháp luật; thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Các khoản giảm trừ gồm: giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

Ngoài ra, đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, theo Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Số thuế phải nộp được tính theo công thức: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Còn với cá nhân không cư trú (người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú) không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập (thu nhập chịu thuế > 0 mới phải nộp thuế).

Về cách tính thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú, theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế.

Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, lao động ký hợp đồng thử việc mà có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.

Mức lương từ bao nhiêu sẽ phải đóng thuế?

Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế đã được nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương phải nộp thuế, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo,…).

Thuế TNCN thay đổi phụ thuộc vào tiền công, tiền lương mà người lao động được nhận

Thuế TNCN thay đổi phụ thuộc vào tiền công, tiền lương mà người lao động được nhận

Với mức điều chỉnh này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp cá nhân lương 17 triệu đồng/tháng có 1 người phụ thuộc, cách tính thuế TNCN như sau: Bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng (17 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,2 triệu đồng. Vì vậy, không phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng/tháng có 1 người phụ thuộc thì cũng chỉ nộp thuế TNCN số tiền 35.000 đồng/tháng. Vì thu nhập 18 triệu, trừ 10,5% bảo hiểm là 1,89 triệu, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu thì phải nộp thuế là (18 triệu – 1, 89 triệu – 15,4 triệu) x 5% = 35 nghìn đồng/tháng.

Nếu một người có thu nhập tiền lương là 22 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này cũng không phải nộp thuế TNCN vì: bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,31 triệu đồng (22 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng (02 người phụ thuộc), tổng cộng là 22,1 triệu đồng.

Trường hợp cá nhân thu nhập 30 triệu đồng/tháng có 2 người phụ thuộc thì số tiền nộp bảo hiểm bắt buộc là 3,13 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho 2 người là 19,8 triệu đồng. Do đó, thuế TNCN là 30 - 3,13 - 19,8 = 7,07 triệu đồng/tháng. Mức thuế sẽ nộp là: Bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250.000 đồng, bậc 2 [(7,07 - 5) x 10%] làm tròn là 210.000 đồng. Tổng tiền thuế TNCN phải nộp là 460.000 đồng/tháng.

Những nguồn thu nhập không cần đóng thuế

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các khoản phụ cấp, trợ cấp không phải tính thuế thu nhập cá nhân bao gồm: Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công. Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.

Các khoản phụ cấp khác của ngành nghề có liên quan đến công việc nguy hiểm, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp đối với nhân viên y tế, và từng ngành nghề, cũng như trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội đều được miễn đóng thuế TNCN.

Người làm việc trong môi trường kém an toàn, nguy hiểm sẽ được phụ cấp không tính thuế

Người làm việc trong môi trường kém an toàn, nguy hiểm sẽ được phụ cấp không tính thuế

Ngoài ra, theo điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC, không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động, các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật, Nghị quyết, các báo cáo chính trị; tham gia các đoàn kiểm tra giám sát; tiếp cử tri, tiếp công dân; trang phục và các công việc khác có liên quan đến phục vụ trực tiếp hoạt động của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy và các Ban của Thành uỷ, Tỉnh ủy...

Ngoài ra, trước thắc mắc về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)…, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Tin liên quan

Đọc tiếp