Cần một FTA với thị trường tiềm năng Maroc

Giao thương Maroc
09:42 - 03/11/2022
Cần một FTA với thị trường tiềm năng Maroc
0:00 / 0:00
0:00
Dư địa hàng hóa Việt Nam tại Maroc, châu Phi còn rất lớn, thị phần hàng Việt chiếm chưa tới 1%. Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định cũ hiện không còn phù hợp, do vậy nên xem xét khả năng đàm phán một hiệp định thương mại mới.

Đó là nhận định của đại diện Thương vụ Việt Nam tại Maroc, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Maroc chưa cao nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn tương đối tốt, năm 2018 tăng 10%, đến năm 2021 lên 17%. Tuy nhiên, vẫn còn rào cản trong việc phát triển kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Đặc biệt khi khung pháp lý về hoạt động hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó có hiệp định thương mại Việt Nam - Maroc ký năm 2001 với các nội dung tạo thuận lợi khái quát, đã không còn phù hợp với quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước hiện nay.

Tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022” ngày 31/10, báo cáo thông tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Maroc nêu ý kiến, nên xem xét khả năng đàm phán một hiệp định thương mại mới giữa hai nước dưới hình thức hiệp định thương mại tự do hoặc đàm phán hiệp định thương mại từng phần, phạm vi tập trung vào lĩnh vực hàng hóa, ưu đãi thuế quan đối với hàng nhập khẩu.

Cũng theo Thương vụ tại Maroc, từ góc độ kỹ thuật thị trường, tiềm năng phát triển, tháo gỡ rào cản và thuận lợi hóa thương mại, một hiệp định thương mại mới sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào Maroc, tạo đột phá về lợi ích cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Maroc trong trung và dài hạn.

Nếu như năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Maroc đạt 155,6 triệu USD thì đến năm 2021 đã lên mức 300 triệu USD, tương ứng tăng gấp gần 2 lần.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Maroc bao gồm điện tử linh kiện, giày dép, dệt may, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, dứa, hộp, túi, ô dù… Các mặt hàng điện tử, linh kiện và gia vị các loại vẫn chiếm ưu thế.

Chính phủ Maroc hiện đang tăng cường mở rộng đối tác thương mại với tất cả các khu vực thị trường trên thế giới, bao gồm ASEAN.

Trong khi đó, dung lượng hàng hóa Việt Nam tại thị trường Maroc còn khiêm tốn, năm 2021 hàng hóa Việt xuất khẩu sang đây chiếm chưa tới 1% trong tổng 55 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của quốc gia này.

Việt Nam có thế mạnh về nhiều mặt hàng nông sản. Sản xuất nông nghiệp của Maroc chiếm 14% tổng GDP quốc gia năm 2021 (16 tỷ USD).

Riêng đối với mặt hàng cà phê, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Maroc Nguyễn Quốc Chính cho biết, quốc gia này hiện đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với cà phê chưa rang xay, từ 10% xuống còn 2,5%. Ông Chính cũng cho biết thêm, hiện mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang đây khá nhiều. Như vậy, việc giảm thuế có thể sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cà phê Việt thúc đẩy xuất khẩu.

Thị trường Maroc cũng đang tìm nguồn cung chè nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nước này thiếu hụt nguyên liệu do nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, hàng hóa Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều bất lợi từ thị trường Maroc.

Trước hết, Chính phủ Maroc có chính sách hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách. Quốc gia này có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước nên thuế các dòng hàng thành phẩm khá cao. Với hàng nông sản, nông sản chế biến thuế tối thiểu ở mức 17,5% và cao nhất là 40% (90% các loại quả tươi có thuế 40%).

Trong năm 2022, do tình hình lạm phát trong nước tăng cao cũng như tình trạng thâm hụt cán cân thương mại nặng, Chính phủ Maroc đẩy mạnh chương trình thay thế và hạn chế nhập khẩu. Trong đó, có vụ việc Maroc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm săm, cao su cho xe đạp, xe máy nhập khẩu từ Việt Nam.

Các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa ra, vào Maroc vẫn còn bị kéo dài. Thủ tục và chi phí thông quan được áp dụng tùy thuộc vào từng ca trực, đôi khi không theo thông lệ quốc tế hoặc quy định chính thức của Maroc.

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Maroc Nguyễn Quốc Chính phát biểu online tại hội nghị giao ban.

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Maroc Nguyễn Quốc Chính phát biểu online tại hội nghị giao ban.

Cơ chế chính sách và thủ tục ngoại thương của Maroc khá rườm rà. Uy tín trong kinh doanh của doanh nghiệp Maroc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cao. Khi gặp khó khăn biến động giá cả, nhiều doanh nghiệp Maroc dễ thay đổi và không tuân thủ các cam kết hợp đồng.

Có rất nhiều các vụ việc khách bỏ hàng, không thanh toán, hoặc cấu kết với nhau để lấy hàng không thanh toán. Luật pháp Maroc lại có kẽ hở để bên nhập khẩu lách luật. Các cơ quan quản lý doanh nghiệp Maroc khó có chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không là thành viên, doanh nghiệp tư nhân.

Tình trạng ký hợp đồng qua trung gian, trung gian hai quốc tịch tràn lan. Trong khi đó do cạnh tranh nên các doanh nghiệp Việt Nam đôi khi thiếu thận trọng ngay từ những khâu ban đầu, thiếu thông tin về khách mua hàng gây khó khăn cho quá trình xử lý khi có phát sinh trục trặc. Việc kiện vi phạm hợp đồng gây tốn kém và kéo dài, không khả thi đối với các hợp đồng có giá trị nhỏ.

Đọc tiếp