Ông Donald Lambert - Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của ADB.

Cần quy định bắt buộc để doanh nghiệp hết 'ngại' xếp hạng tín nhiệm

ADB CHÂU Á
09:49 - 18/05/2022
Việt Nam đã có hai đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm, nhưng số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này lại rất ít. Theo ông Donald Lambert từ Ngân hàng ADB, cần có quy định để các doanh nghiệp hết e ngại vì đây là công cụ giúp huy động vốn dễ hơn. 

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Donald Lambert, Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đang có phần đi chậm hơn các nước trong khu vực cũng như trên thế giới trong lĩnh vực này.

Mekong Asean: Ông có thể cho biết đánh giá về vai trò và tầm quan trọng của việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng?

Mục đích của xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cung cấp thông tin và sự minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Vì cơ chế cơ bản của thị trường tài chính nằm ở sự cân nhắc của nhà đầu tư, giữa phần lợi nhuận mà họ nhận lại và những rủi ro sẵn sàng chấp nhận. Trên kết quả của xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ sở để lựa chọn có rót tiền vào doanh nghiệp hay không.

Vậy nên nếu một công ty không cung cấp thông tin rõ ràng và không có được sự minh bạch, các nhà đầu tư cá nhân sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.

Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm cũng giúp bảo vệ nền kinh tế nói chung. Vì nếu như các rủi ro không được xác định rõ ràng, chúng có thể dần tích tụ lại. Và khi một cuộc khủng hoảng xảy ra trong thị trường tài chính, nó có thể lan tới các phần khác của nền kinh tế.

Còn đối với thị trường cổ phiếu thì xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng theo cách gián tiếp. Vì nhà đầu tư cần các thông tin về lợi nhuận, còn xếp hạng tín nhiệm đưa ra nhận định về mức độ ổn định tài chính, khả năng bị vỡ nợ của công ty. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ lo lắng nếu như công ty có các rủi ro tín dụng, ví dụ như khả năng vỡ nợ hoặc là tin đồn bị vỡ nợ. Và họ có thể phản ứng lại một cách dữ dội bằng việc bán tháo cổ phiếu của công ty đó hoặc không lựa chọn đầu tư.

Mekong Asean: Ông đánh giá thế nào về thực trạng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam? Theo ông, để đẩy mạnh dịch vụ này, cần những chính sách và hành động cụ thể gì?

Tôi cho rằng thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa Việt Nam chưa được phát triển vì mới chỉ có một vài doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Nhìn vào Philippines, Indonesia hay những thị trường vốn phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia hoặc Ấn Độ, bạn sẽ thấy tỷ lệ các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cao hơn nhiều. Có thể thấy, ngay cả việc một quốc gia không sở hữu một nền kinh tế phát triển thì xếp hạng tín nhiệm vẫn được đề cao.

Nếu có thể đề cử một biện pháp, tôi sẽ đề nghị chuyển xếp hạng tín nhiệm trở thành bắt buộc. Vì nếu không có quy định cụ thể, các doanh nghiệp sẽ lần lữa mãi, trong khi các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình. Tất nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm bắt buộc không nhất thiết phải có hiệu lực ngay lập tức. Ví dụ, nó có thể đi vào thực hiện sau khoảng thời gian 12 tháng hoặc là 24 tháng, ra dấu cho thị trường rằng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sắp xảy ra.

Quy định xếp hạng nhiệm bắt buộc còn giúp cho các công ty xếp hạng tín dụng uy tín thế giới như Moody’s hay S&P biết rằng Việt Nam đang mở cửa với dịch vụ này. Khi nhận thấy cơ hội, họ sẽ bắt đầu xây dựng một nhóm làm việc tại đây.

Một vấn đề khác của việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm chính là hầu hết các trái phiếu ở Việt Nam không được phát hành công khai. Đối với các công ty đã niêm yết, việc này có thể là bắt buộc nhưng với các công ty chưa niêm yết thì không. Và trong bối cảnh có tới 95% trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, nó không tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa nào.

Chúng ta có thể nhìn sang thị trường Ấn Độ, có tới 98% trái phiếu của quốc gia này được phát hành riêng lẻ, tương tự như Việt Nam. Nhưng điều khác biệt là tất cả đều đã được xếp hạng tín nhiệm vì Ấn Độ đã ban hành quy định bắt buộc với việc này. Thêm vào đó, cũng không có ý kiến nào cho rằng việc này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường vốn của Ấn Độ - một thị trường vô cùng lớn.

Mekong Asean: Theo ông thì chi phí có phải là rào cản khiến các doanh nghiệp Việt Nam e ngại việc tham gia xếp hạng tín nhiệm?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng xếp hạng tín nhiệm nhằm mục tiêu giúp các công ty kêu gọi vốn thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Giá trị của trái phiếu sẽ là một khoản lớn vì nó có liên quan tới nhiều chi phí khác. Còn đối với các khoản nhỏ hơn thì việc vay tiền từ ngân hàng thông thường sẽ rẻ hơn. Vậy nên có rất ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp lớn, để phát hành trái phiếu thì chi phí xếp hạng tín nhiệm sẽ không phải là một vấn đề cần quan tâm. Hãy nghĩ về việc phát hành trái phiếu, công ty sẽ cần chi trả nhiều chi phí liên quan từ người ủy thác, luật sư, kế toán tới người bảo lãnh và trong số đó, chi phí xếp hạng tín nhiệm sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ.

Mekong Asean: Hiện nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thấp. Nếu chi phí không phải là vấn đề, ông cho rằng rào cản thực sự ở đây là gì?

Như tôi đã nói ở trên, vì thị trường xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chưa phát triển, các doanh nghiệp còn có thể lơ là với nó khi nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Còn khi xếp hạng tín nhiệm trở thành một quy định bắt buộc, trở thành một tiêu chí quan trọng của nhà đầu tư thì vấn đề sẽ khác.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam cũng chỉ mới phát triển 1-2 năm trở lại đây, nhiều công ty vẫn lựa chọn vay ngân hàng hơn là phát hành trái phiếu vì thủ tục nhanh gọn hơn và lãi suất cũng thấp hơn. Vậy nên, cho tới khi việc phát hành trái phiếu chưa rẻ hơn so với chi phí vay ngân hàng thì các công ty vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn ngân hàng. Nhưng về lâu dài, nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào ngân hàng thì gánh nặng lên thị trường tài chính sẽ rất lớn.

Mekong Asean: Việt Nam đã có 2 công ty được cấp phép kinh doanh xếp hạng tín nhiệm. Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng thị trường của họ, cả về số lượng và chất lượng?

Dựa trên nhu cầu thấp của thị trường Việt Nam hiện tại thì hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có thể đáp ứng, còn nếu trở thành quy định bắt buộc thì chắc chắn sẽ là một thử thách với họ.

Tuy nhiên như chúng ta đã thảo luận ở trên, việc này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Việc kéo dài thời gian để quy định chính thức có hiệu lực sẽ giúp các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa có thời gian để thích ứng với nhu cầu gia tăng. Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng đắn nhằm tiếp cận với vấn đề này.

Thời gian qua, tôi cũng đọc được các ý kiến về việc thị trường không có đủ các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Tôi không đồng ý với nhận định này. Vì Việt Nam là một thị trường vốn tương đối nhỏ, nếu có tới 5 công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm thì nhu cầu thị trường là quá nhỏ so với số lượng các công ty xếp hạng.

Còn về chất lượng, tôi xin phép không đánh giá cụ thể nhưng sẽ nói theo khía cạnh khác. Nếu nhìn quanh châu Á, các công ty xếp hạng tín nhiệm thành công đều là các công ty có hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế. Nguyên nhân bởi vì đây là một cuộc chơi tín dụng. Bạn cần phải có danh tiếng và có sự tin cậy nhất định thì xếp hạng tín dụng của bạn mới được tin tưởng.

Tại Việt Nam, tôi biết FiinGroup (đơn vị đã được Bộ Tài Chính Việt Nam cấp phép trở thành đơn vị xếp hạng tín nhiệm thứ hai tại Việt Nam vào tháng 3 năm 2020 – PV) đã được tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ S&P Global Ratings – tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới. Do S&P hoàn toàn không phải là một doanh nghiệp chuyên đi huấn luyện các doanh nghiệp xếp hạng tín dụng nội địa, không phải là một tổ chức đào tạo nên việc họ chọn FiinGroup đã cho thấy tín hiệu tích cực.

Mekong Asean: Xin ông chia sẻ những kế hoạch của ADB giúp đẩy mạnh phát triển xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam?

Chúng tôi có dự định hỗ trợ đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam qua 3 việc. Một là tiếp tục xây dựng năng lực và đào tạo cho thị trường vốn Việt Nam cũng như một số doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Kết hợp cùng Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tiến hành việc này trong vòng 5-6 năm nữa để nâng cao nhận thức của thị trường.

Thứ hai, chúng tôi sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc đưa ra các chính sách yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cũng như các phương pháp để quản lý các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba và đồng thời là kế hoạch thú vị nhất chính là chúng tôi đang xây dựng một kế hoạch thí điểm hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lần đầu thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Kế hoạch cụ thể ở đây là chúng tôi sẽ trả một khoản phí hỗ trợ nhỏ cho các công ty phát hành trái phiếu và thực hiện xếp hạng tín nhiệm lần đầu tiên. Một khi các doanh nghiệp thực hiện xếp hạng tín nhiệm, họ sẽ nhận ra đây là điều sẽ mang lại lợi ích cho công ty họ về lâu dài, sau đó sẽ tiếp tục làm điều này. Chúng tôi hy vọng kế hoạch này sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Mekong Asean: Còn việc nâng cao nhận thức về xếp hạng tín nhiệm sẽ được ADB triển khai như thế nào, thưa ông?

Năm 2019 -2020, ADB đã tổ chức nhiều buổi hội thảo cùng với Bộ Tài chính. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu lại các buổi hội thảo này và đang cố gắng tổ chức 6 tháng 1 lần. Lần này, chúng tôi sẽ tổ chức theo hướng thực tế hơn, ví dụ như nói về các nhà đầu tư tổ chức và vai trò của họ. Mỗi buổi hội thảo sẽ có một trọng tâm khác nhau.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc tiếp