Cần tinh gọn bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái

KCN sinh thái
20:51 - 26/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của đại diện các khu công nghiệp đang chuyển dần sang mô hình sinh thái, bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái đang được đưa ra dự thảo và nghiên cứu cần phải tinh gọn lại, trong khi một số chỉ số chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, nhóm chuyên gia nghiên cứu của UNIDO - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc đã đề xuất bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, từ đó lấy ý kiến doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan nhằm mục đích hoàn thiện hơn bộ chỉ số đánh giá khu công nghiệp sinh thái.

Tại hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái ngày 24/6 nhóm nghiên cứu UNIDO đề xuất bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái gồm 76 chỉ số về 3 lĩnh vực gồm chỉ số môi trường và quản lý khu công nghiệp, chỉ số về kinh tế và chỉ số về xã hội.

Các doanh nghiệp cho ý kiến về kết quả nghiên cứu bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Thảo Ngân.

Các doanh nghiệp cho ý kiến về kết quả nghiên cứu bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Thảo Ngân.

Cũng theo UNIDO, việc hoàn thiện bộ chỉ số và nhanh chóng cấp chứng nhận cho các khu công nghiệp đã hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái là rất cần thiết. Càng nhân rộng mô hình khu công nghiệp xanh ra bao nhiêu thì sản xuất càng bền vững bấy nhiêu. Đồng thời nguồn năng lượng sạch cũng là điều cần thiết trong quá trình chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái.

Doanh nghiệp yêu cầu tinh gọn lại bộ tiêu chí

Sau khi nghe báo cáo về bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái, đại diện Ban Quản Lý các khu công nghiệp Đà Nẵng nêu ý kiến bộ chỉ số cần được gói gọn lại, thay các thang điểm 0-5 thành đạt hay không đạt để rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện.

Đứng từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng môi trường, CTCP Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C) Hải Phòng, cho biết rất đồng tình với cách thực hiện bộ chỉ số này. Tuy nhiên, những chỉ số thuộc về điều kiện mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo Luật thì không cần đưa vào bộ tiêu chí, những điều kiện doanh nghiệp có thể tự nguyện làm để mang lại lợi ích tốt hơn cho môi trường thì nên thêm vào.

Đại diện Deep C cũng khẳng định với những tiêu chí như trên thì hầu hết các khu công nghiệp đang hướng tới sinh thái thì đều có thể đạt được. Khu công nghiệp Deep C cũng mong nhà quản lý sớm ban hành bộ tiêu chí này để công ty có thể nộp hồ sơ và sớm đạt được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

Đóng góp thêm ý kiến, ông Giang Ngọc Phương, phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước huyện Nhà Bè, TP HCM cho rằng cần xác định rõ trong bộ tiêu chí điều kiện nào cần thực hiện và điều kiện nào có thể lựa chọn thực hiện.

Ông Giang Ngọc Phương, phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước huyện Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Thảo Ngân

Ông Giang Ngọc Phương, phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước huyện Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Thảo Ngân

Các tiêu chí đưa vào thì phải phù hợp với từng địa phương cụ thể. "Việc yêu cầu nước thải sau khi xử lý đạt cấp độ A* mới có thể tưới tiêu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là rất khó cho doanh nghiệp. Chính vì vậy tiêu chí 25% nước thải sau khi xử lý được tái sử dụng trong bộ chỉ số là doanh nghiệp không thể thực hiện được", ông Giang Ngọc Phương nhấn mạnh.

Đồng ý với ý kiến nghị cần tinh gọn lại bộ chỉ tiêu của các doanh nghiệp, chia sẻ với Mekong Asean, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch CTCP Shinec cho biết: "Trong số các chỉ số mà nhóm nghiên cứu đưa ra, chỉ số về môi trường là thước đo quan trọng nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc như việc doanh nghiệp sản xuất phải tái sử dụng năng lượng thừa là chưa phù hợp bởi một số nhà máy sản xuất không có năng lượng thừa. Thay vào đó tiêu chí đó cần gộp luôn vào cộng sinh trong công nghiệp".

"Tiêu chí sản xuất sạch hơn lại phụ thuộc vào Luật Quy hoạch và Luật Môi trường, nếu tái sử dụng nước thì phải thay đổi "Đánh giá tác động môi trường". Chính vì vậy đó là những khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp khi áp dụng bộ tiêu chí chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái"

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch CTCP Shinec

"Hay bộ chỉ số về xã hội có đến 19 tiêu chí, theo tôi chỉ cần gộp thành 9 tiêu chí là đủ. Có một số tiêu chí doanh nghiệp không thể thực hiện được như việc tham khảo ý kiến cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương là một phạm trù rất rộng nên để xác nhận được ý kiến cộng đồng tại các khu vực dân cư thì phạm vi quá lớn", ông Điệp nói thêm.

Doanh nghiệp yêu cầu nhà quản lý phải có cái nhìn đồng bộ giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, các Bộ liên quan để có sự thống nhất trong tiêu chí từ đó các doanh nghiệp mới có thể áp dụng được.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhấn mạnh lại một lần nữa: "Việc chúng ta chuyển đổi các khu công nghiệp sang mô hình sinh thái chính là đang thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Các chuyên gia đang giúp chúng ta xây dựng một bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái".

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

"Tuy nhiên, mặc dù bộ chỉ số xây dựng cho Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu không chúng ta dù có kết quả nhưng sẽ không được thế giới công nhận", ông Quân nói.

Bổ sung thêm, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, bà đồng ý với ý kiến gói gọn lại bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái và chỉ lựa chọn những chỉ số đánh giá mức khả thi đạt hay không đạt.

Trả lời về cơ chế thực hiện bộ tiêu chí khi được ban hành, bà Hiếu thông tin: "Trong Nghị định 35 cũng đã nêu rõ một số cơ chế chính sách cho khu công nghiệp khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Còn về việc thực hiện bộ tiêu chí sau khi được ban hành thì hướng dẫn thực hiện sẽ được lồng ghép trong một hệ thống thông tin có cả bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể dễ dàng áp dụng".

Các chỉ số về môi trường được chia theo các nội dung: Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), cộng sinh công nghiệp; Năng lượng; Nước cấp và nước thải; Sử dụng vật liệu và chất thải; Biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên; Quản lý và giám sát.

Chỉ số về kinh tế được đánh giá dựa trên các tiêu chí tạo ra giá trị kinh tế; Tạo ra việc làm; Phát triển kinh doanh địa phương và cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các lĩnh vực của chỉ số xã hội được đưa ra dựa trên Hệ thống quản lý xã hội ( chỉ số sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; phòng tránh phân biệt đối xử và bạo hành nơi làm việc; nâng cao năng lực và bình đẳng giới); Hệ thống hạ tầng xã hội, KCN; Tiếp cận cộng đồng địa phương.

Bộ chỉ số được nghiên cứu sau khi UNIDO tiến hành thí điểm chuyển đổi 6 khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.