Cảnh giác lỗ hổng thương mại quốc tế từ vụ ‘thất lạc’ 36 container điều

Cảnh giác lỗ hổng thương mại quốc tế từ vụ ‘thất lạc’ 36 container điều

Điều Việt nAM
08:28 - 18/03/2022
“Các doanh nghiệp đã rất vất vả để đưa được điều Việt Nam lên vị trí xuất khẩu số một thế giới. Đừng vội chê trách họ, hãy chung tay tìm giải pháp và rút ra bài học”, Phó Cục trưởng Cục XNK Trần Thanh Hải chia sẻ về vụ thất lạc container hạt điều sang Italy.

Từ sự việc nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang có nguy cơ mất trắng gần 36 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cần cẩn trọng hơn nữa về đối tác, thị trường và đặc biệt là cảnh giác trước những “lỗ hổng” thương mại quốc tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Bộ Công Thương cũng đang vào cuộc tích cực để giải quyết vụ việc. Từ sự việc này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có những phân tích về các hình thức thanh toán và đưa ra cảnh báo, khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải hiện nay có 3 cách thức thanh toán trong thương mại quốc tế với các ưu - nhược điểm khác nhau.

Cách thức thuận tiện, nhanh chóng nhất được cho là điện chuyển tiền (T/T) thường được áp dụng với những đối tác đã làm lâu năm, có độ tin cậy cao. Ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu, nôm na giống như việc chuyển khoản giữa hai cá nhân với nhau.

Phương thức này có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có nhiều điều kiện, thủ tục, không phải chuyển bộ chứng từ gốc thông qua ngân hàng, không phải ký quỹ (và do đó không bị đọng vốn).

Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này sẽ bất lợi cho người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc thiện chí của người mua, nếu người mua không thanh toán hoặc tìm lý do để trừ tiền thì người bán rơi vào thế khó xử.

Để tăng sự tin tưởng và chia sẻ rủi ro, hai bên có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước 20 - 30%, số còn lại chuyển sau khi scan bộ chứng từ và trước khi hàng tới cảng người mua.

Cách thức thứ hai là trả tiền nhận chứng từ (D/P - Documents against Payment). Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo.

Bộ Công Thương gửi công hàm đến Đại sứ quán Italy tại Việt Nam giải quyết vụ việc.
Bộ Công Thương gửi công hàm đến Đại sứ quán Italy tại Việt Nam giải quyết vụ việc.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, những sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.

Tương tự như D/P là phương thức CAD (Cash against Documents).

Cách thức đảm bảo an toàn nhất cho người bán là thư tín dụng (L/C - Letter of Credit). Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Tuy nhiên, đây là phương thức thanh toán bất lợi nhất cho người mua (bị đọng vốn ở ngân hàng). Thực tế, L/C cũng không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.

“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể cả L/C. Đây là một ‘lỗ hổng’ trong thương mại quốc tế mà sau vụ này chúng ta phải tìm cách khắc phục”, ông Hải cho biết.

Thuật lại lời từ một doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ mất hàng tại Italy, ông Hải cho biết, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua sẽ không mua nhiều một lúc mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ nên cách thức thanh toán L/C là không khả thi.

“Thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác”, ông Hải phân tích.

Dù biết các cách thức thanh toán T/T, D/P và CAD rủi ro hơn L/C nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận vì từ lâu điều này đã trở thành thông lệ quốc tế trong kinh doanh.

Do vậy, để tự bảo vệ mình và tự tin hơn trong các thương vụ thương mại quốc tế, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo các doanh nghiệp phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Đáng lưu ý là các doanh nghiệp nên giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình, can thiệp với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.

Tuy nhiên trong thực tế, các doanh nghiệp Việt thường đẩy hết quyền thuê tàu cho đối tác với thói quen nhận hàng về tận cảng (đối với nhập khẩu) hoặc đưa hàng ra đến cảng (đối với xuất khẩu).

“Câu chuyện 36 container điều sẽ là động lực để doanh nghiệp thay đổi thói quen trong các hoạt động thương mại và biết cách chủ động bảo vệ mình hơn khi thương mại quốc tế đang tồn tại lỗ hổng”, ông Hải nhấn mạnh.

Từ câu chuyện của chính doanh nghiệp mình năm 2007 tương tự sự việc 36 container điều có nguy cơ mất trắng, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group đã chia sẻ lại trường hợp suýt bị lừa và cách "thoát lừa" của mình, nhằm đưa ra thêm các kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh trong môi trường hội nhập nhưng tồn tại nhiều khác biệt, đa dạng.

Theo lời ông Thông, thời điểm đó, Phúc Sinh nhận được một đơn hàng vô cùng “nóng hổi” và gấp gáp từ một đối tác tình cờ kết nối khi tham dự hội chợ Anuga (Đức). Đây là đơn hàng lớn nhất mà Phúc Sinh nhận được sau 5 năm thành lập với yêu cầu giao ngay 50 container hạt tiêu.

Con số này không hề nhỏ với doanh nghiệp cũng như khả năng thu mua và sản lượng niên vụ của Việt Nam thời điểm đó. Phúc Sinh cuối cùng chỉ gom được 37 container với giá 6,300 USD/tấn và bên bán chịu phí cước tàu.

Vấn đề đã bắt đầu phát sinh ngay từ cách thức thanh toán, phía đối tác đặt ra yêu cầu hoàn toàn CAD 100% tại ngân hàng của họ và không chịu thanh toán trước 20% như thông lệ, điều này quá rủi ro với lô hàng đến 3.263 triệu USD (gần 53 tỷ VNĐ).

Sau khi Phúc Sinh kiên quyết không chấp nhận thì phía nhập khẩu mới chịu thanh toán trước 10% và phần còn lại thanh toán qua bộ chứng từ fax.

Tuy nhiên, ngay sau khi hàng được xuất khẩu đi, phía đối tác liên tục gọi điện thúc giục Phúc Sinh chuyển mã vận đơn gửi chứng từ cho họ. “Và đây chính là chi tiết khiến chúng tôi phải nghi ngờ”, ông Thông nhớ lại câu chuyện của 15 năm trước.

Cùng thời điểm những nghi ngờ của Chủ tịch Phúc Sinh Group ngày càng nhen nhóm thì ngân hàng Vietcombank (ngân hàng Phúc Sinh chọn giao dịch) nhận được một điện từ ngân hàng mà phía đối tác trong thương vụ này chọn cung cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho biết đã nhận được bộ chứng từ nhưng xác định đối tác này không phải khách của họ cũng như họ cảm thấy có sự lừa đảo nên gửi trả lại bộ chứng từ.

Ngay khi nhận lại chứng từ về Sài Gòn, ông Thông cho biết, công ty đã phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc ủy quyền qua một công ty logistics quốc tế để đưa được 37 container hạt tiêu về nước.

Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc 36 container điều, tuy nhiên qua đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Đọc tiếp