Cao su Việt Nam giải trình kế hoạch lợi nhuận đi ngang năm 2022

Cao su Việt nAM
20:41 - 19/06/2022
Cao su Việt Nam giải trình kế hoạch lợi nhuận đi ngang năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR) cho biết, giá mủ cao su đang tác động trực tiếp lên việc đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế của tập đoàn trong năm 2022.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa công bố, Cao su Việt Nam đã thông qua việc chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 4,1%/vốn điều lệ, tương ứng với 1.640 đồng/cổ phiếu. Trước đó, công ty này thông báo chia cổ tức ở mức 6% nhưng do lợi nhuận đạt được trong năm 2021 không đủ để chia theo mức đã công bố nên lùi xuống còn hơn 4%.

Bên cạnh đó, Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 29.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.340 tỷ đồng trong năm 2022, đi ngang so với năm 2021. Ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của tập đoàn có giá trị tương đương với 6 tháng đầu năm 2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2022, Cao su Việt Nam đã có giải trình về kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đi ngang của tập đoàn. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận chính của tập đoàn trong năm nay căn cứ trên sản phẩm mủ cao su. Mặc dù thời tiết thuận lợi, sản lượng khai thác có thể đạt từ 6 - 8% nhưng do giá nguyên liệu tăng cao, cùng với đó là các chi phí có liên quan đều tăng so với năm 2021 (bao gồm cả chi phí tiền lương vốn chiếm khoảng 40% giá thành) nên giá cao su cũng sẽ tăng cao.

Cơ cấu mảng kinh doanh của tập đoàn đối với lợi nhuận trước thuế năm 2022, bao gồm mủ cao su và cây cao su thanh lý khoảng trên 50%, khu công nghiệp khoảng 12%, sản phẩm gỗ khoảng 10,5%, lĩnh vực khác khoảng 28%.

Diện tích cao su thanh lý khoảng 10.000 ha, ước lợi nhuận năm 2022 đối với cây cao su thanh lý khoảng 1.600 đến 1.800 tỷ đồng.

Hiện Cao su Việt Nam sở hữu khoảng 400.000 ha diện tích trồng cao su. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ khoảng 150.000 ha; khu vực Tây Nguyên khoảng 70.000 ha, khu vực Duyên hải miền Trung khoảng 30.000 ha; khu vực miền núi phía Bắc khoảng 26.000 ha; còn lại là đầu tư tại Lào và Vương quốc Campuchia. Năng suất bình quân đạt 1,51 tấn/ha

Về thị trường tiêu thụ mủ cao su của tập đoàn, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20-30% sản lượng tiêu thụ của toàn tập đoàn. Số còn lại thuộc về các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Giá bán mủ cao su bình quân trong năm 2021 đạt mức 39 triệu đồng/tấn. Giá bán bình quân 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 38 – 39 triệu đồng/tấn. Phía Cao su Việt Nam kỳ vọng giá bán bình quân năm 2022 sẽ bằng với giá bán bình quân của năm 2021; biên lợi nhuận của năm nay kỳ vọng ở mức 6 - 7 triệu đồng/tấn.

Nói về mục tiêu thoái vốn của công ty, phía tập đoàn cho biết đang lập đề án thoái vốn trình Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt. Sau khi có ý kiến chính thức của Ủy ban này, Tập đoàn sẽ thuê đơn vị tư vấn để thực hiện các thủ tục thoái vốn theo quy định.

Tuy nhiên, việc thoái vốn của tập đoàn còn phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu trên thị trường. Cao su Việt Nam sẽ quyết định thời điểm thoái vốn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất và đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Chia sẻ về vướng mắc thuê đất của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Cao su Việt Nam cho biết đang làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiền thuê đất khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Dự kiến sẽ hoàn tất trong quý 3/2022 để triển khai giai đoạn 2.

Hiện nguồn đất thương phẩm ở KCN Nam Tân Uyên (NTC-1) và KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 1 (NTC-2) đã hết. Trong khi đó, dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC-3) vẫn đang chờ quyết định giao đất của UBND tỉnh Bình Dương để có thể tiến hành xây dựng hạ tầng và cho thuê lại đất.

Tin liên quan

Đọc tiếp