CDC Mỹ nâng cảnh báo khi bệnh đậu mùa khỉ vượt 1.000 ca nhiễm

Dịch bệnh THẾ GIỚI
11:59 - 08/06/2022
Số ca nhiễm đậu mùa khỉ toàn cầu đã vượt ngưỡng 1000 ca tại gần 30 quốc gia. Ảnh: Reuters
Số ca nhiễm đậu mùa khỉ toàn cầu đã vượt ngưỡng 1000 ca tại gần 30 quốc gia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh các ca nhiễm virus đậu mùa khỉ trên toàn cầu vượt ngưỡng 1.000, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nâng cảnh báo bệnh và tăng cường các nỗ lực hướng dẫn người dân phòng ngừa virus này.

CNBC cho biết hôm đầu tuần, CDC đã nâng cảnh báo đậu mùa khỉ lên mức 2, đồng thời khuyến khích mọi người tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn dịch bệnh này bùng phát. Các nỗ lực này ngày càng trở nên gấp rút trong bối cảnh dịch bệnh đã lan tới 30 quốc gia vốn không có dịch trong tháng qua. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục tiến triển xấu đi, cơ quan này sẽ phải nâng cảnh báo lên cấp cao nhất là cấp 3 – cảnh báo các động thái đi lại không cần thiết.

Tuy các cơ quan y tế công cộng cũng như các chuyên gia đều nhất trí cho rằng nguy cơ lây lan đậu mùa khỉ đối với công chúng hiện vẫn ở mức thấp, các cảnh báo vẫn khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể, các biện pháp này sẽ bao gồm tránh tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm cả những người bị tổn thương da hoặc bộ phận sinh dục, cũng như động vật bị bệnh hoặc chết.

Ngoài ra, cảnh báo này cũng kêu gọi những người có các triệu chứng của virus như phát ban hoặc tổn thương da không rõ nguyên nhân thực hiện tránh tiếp xúc với người khác và liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để được hướng dẫn.

Theo CNBC, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ gây ra. Các triệu chứng cơ bản của bệnh sẽ bao gồm phát ban, sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng. Thông thường, bệnh này chỉ lưu hành tại các nước Trung và Tây Phi và không hề gây nên bùng phát dịch trên diện rộng. Tuy nhiên, các đợt bùng phát gần đây trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc – vốn là các nước không hề lưu hành bệnh này đã khiến các chuyên gia y tế bối rối và làm dấy lên lo ngại về sự lây lan trong cộng đồng.

Tính đến 6/6, thế giới ghi nhận 1.019 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 29 quốc gia theo CDC Mỹ. Vương quốc Anh hiện đang là nước dẫn đầu với nhiều ca bệnh nhất cho đến nay: 302 ca nhiễm. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 198 ca, Bồ Đào Nha với 153 ca và Canada với 80 ca.

Nhằm sớm đưa ra lời giải cho hiện trạng bệnh, các chuyên gia y tế đã tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của đợt bùng phát thường có liên quan đến việc đi du lịch từ các quốc gia lưu hành dịch bệnh. Tuy nhiên theo trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới về bệnh đậu khỉ hôm 8/6, virus này có thể đã lây truyền mà không bị phát hiện trong các quốc gia không có dịch trong “vài tuần, vài tháng hoặc có thể vài năm”.

Theo CDC Mỹ, quốc gia này đang lưu hành ít nhất 2 biến thể của đậu mùa khỉ. Ảnh: US Embassy Brazil

Theo CDC Mỹ, quốc gia này đang lưu hành ít nhất 2 biến thể của đậu mùa khỉ. Ảnh: US Embassy Brazil

Mặt khác, tình hình dịch bệnh đầu mùa khỉ tại Mỹ đang có những diễn biến tương đối phức tạp. Cho tới gần đây, việc bùng dịch tại Mỹ vẫn được cho là bắt nguồn từ chủng virus Tây Phi vốn gây bệnh ít nghiêm trọng hơn và có tỉ lệ tử vong chỉ vào mức 1%.

Tuy nhiên vào cuối tuần trước, CDC cho biết Mỹ đang lưu hành ít nhất 2 biến thể được báo cáo. Theo bà Jennifer McQuiston, phó giám đốc bộ phận bệnh lý và mầm bệnh hậu quả cao của CDC: “Mặc dù chúng giống nhau, các phân tích di truyền cho thấy chúng không có liên kết với nhau”.

Bà nhận định có khả năng 2 chủng virus này xuất phát từ 2 trường hợp nhiễm bệnh khác nhau khi virus lây lan từ động vật sang người ở châu Phi và tiếp tục lây lan qua tiếp xúc giữa người với người.

Giáo sư Eyal Leshem, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Israel trả lời phỏng vấn CNBC rằng việc virus lây lan sang các quốc gia không có bệnh dịch là không có gì đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân là do tần suất và sự dễ dàng của các chuyến du lịch quốc tế cũng như sự tương tác giữa người và động vật ngày càng tăng.

Điều này khiến các căn bệnh từng lây lan cục bộ giờ đây có thể lây lan qua các quốc gia và lục địa dễ dàng hơn nhiều. Trong khi đó, sự tương tác giữa con người và động vật cũng được khuếch đại vì biến đổi khí hậu đã buộc một số loài động vật phải tiếp xúc gần hơn với con người.

Đọc tiếp