CEO Grab: Việt Nam có mọi yếu tố tiềm năng để thúc đẩy chuyển đổi số

KInh tế số Việt nAM
16:43 - 11/11/2021
CEO Grab: Việt Nam có mọi yếu tố tiềm năng để thúc đẩy chuyển đổi số
0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 không chỉ mang đến thách thức, tổn thất lớn mà cũng tạo cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế. Nhưng để làm được điều này, cần xây dựng khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số, các mô hình kinh doanh mới...

Trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số trong nước, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, ưu tiên phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có nền kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” do Google, Temasek và Bain công bố ngày 03/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay.

Việt Nam là quốc gia hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Internet lớn thứ ba khu vực với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019.

Trong bối cảnh làn sóng đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội lớn thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam tại Hội thảo “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sáng 11/11 đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ.

Dịch Covid-19 đang thay đổi hành vi người tiêu dùng dịch vụ như thế nào?

Dữ liệu do Grab thu thập từ hệ thống GPS GrabCar lưu thông trên các tuyến đường ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về lưu lượng giao thông trong khung giờ cao điểm giai đoạn trước và sau làn sóng dịch thứ 4.

Lưu lượng giao thông tại TP.HCM trong thời gian phong tỏa do đại dịch đã giảm mạnh chưa từng có

Lưu lượng giao thông tại TP.HCM trong thời gian phong tỏa do đại dịch đã giảm mạnh chưa từng có

Tại thời điểm ngày 25/4, ngay trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP.Hồ Chí Minh, lưu lượng lưu thông trong giờ cao điểm rất đông đúc trong khi chỉ 4 tháng sau đó, thời điểm thành phố này bước vào giai đoạn phong tỏa vì đỉnh dịch, lưu lượng lưu thông đã giảm mạnh. Điều tương tự cũng xảy ra ở Hà Nội, dù thủ đô Hà Nội không trải qua đỉnh dịch phức tạp như TP.Hồ Chí Minh.

Lưu lượng giao thông tại Hà Nội ở thời điểm cuối tháng 8, trong giờ cao điểm cũng giảm sâu

Lưu lượng giao thông tại Hà Nội ở thời điểm cuối tháng 8, trong giờ cao điểm cũng giảm sâu

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam nhận định rằng sự biến động dịch chuyển ở hai đô thị lớn nhất trên cả nước không đã phản ánh sự khác biệt rõ rệt về hành vi của người dân. “Đường vắng như ngày mùng 1 Tết, nhưng hành vi người dân không giống ngày mùng 1 Tết. Nếu như hiện tượng đường vắng trong dịp Tết là do mọi hoạt động kinh tế - xã hội gần như đã ngừng lại thì trong đợt dịch vừa qua, tình trạng đường vắng xuất hiện ngay cả khi các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn đang diễn ra bình thường”.

Theo bà Vân, sự khác biệt trên bề mặt này đã phản ánh sự thay đổi hành vi sâu rộng của người dân khi đại dịch tác động chưa từng có đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến những thách thức lớn cho hệ thống y tế cũng như các hoạt động kinh tế xã hội của quốc gia, mà còn đem lại cơ hội lớn để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình số hóa và cuộc cách mạng 4.0.

Từ góc độ cơ hội, trong 2 năm qua, sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử: mua sắm online, giao hàng online… Hàng loạt ngành nghề dịch vụ “phụ trợ” cho thương mại điện tử cũng vì thế mà hình thành và phát triển nhanh chóng.

Đáng chú ý, hoạt động sử dụng dịch vụ, nền tảng số không chỉ tăng tốc ở các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống như giáo dục, mua sắm mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác, từ giải trí cho đến làm đẹp.

“Trong hai năm đại dịch vừa qua, tôi chứng kiến sự thay đổi hành vi diễn ra chưa từng có. Có những nhân tài ở Việt Nam trước đây muốn làm việc cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức ở nước ngoài thì phải sắp xếp gia đình, công việc để di chuyển sang nước ngoài. Nhưng giờ đây, họ chỉ cần ngồi tại Việt Nam với kết nối qua màn hình máy tính, smartphone để giải quyết mọi công việc từ bất cứ đâu. Ngay cả trong những lĩnh vực tưởng chừng như rất truyền thống là y tế, bác sĩ giờ đây có thể hội chẩn trực tuyến trong điều kiện đặc biệt. 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, chúng ta ngồi đây nhìn lại và khẳng định rằng đại dịch đã thay đổi rất nhiều mặt của hoạt động kinh tế xã hội”, bà Vân nói.

Ảnh tác giả

“Đó là sự thay đổi của cả một guồng máy. Doanh nghiệp nào nắm bắt, tận dụng cơ hội tốt, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ sống khỏe”

CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân

Việt Nam có đủ mọi yếu tố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

“Việt Nam có đủ mọi yếu tố tiềm năng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số: thói quen, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi, tiêu dùng trực tuyến, thương mại điện tử đang tăng trưởng vượt bậc, nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số ngày càng tăng, doanh nghiệp đã và đang nắm bắt công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang trực tuyến”, bà Nguyễn Thái Hải Vân

Hướng đến bình thường mới, bà Vân cho rằng cần thúc đẩy vai trò các nền tảng công nghệ trong chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ.

Để làm được điều này, cần thiết xây dựng khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số, các mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng số, mô hình kinh doanh mới cũng như khuyến khích tinh thần ứng dụng công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích cực chuyển đổi song song đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, hướng đến tài chính toàn diện cho người dân.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế số

Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế số

Nền kinh tế trị giá 340 tỷ USD của Việt Nam hiện có quy mô xếp sau các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhận định tiềm năng từ lĩnh vực fintech nói riêng và kinh tế số của Việt Nam là vô cùng hấp dẫn vì một số nguyên nhân chính như: đất nước có tỷ lệ dân số sử dụng smartphone cao nhất khu vực (khoảng 80% dân số trưởng thành), đất nước có 57% dân số sử dụng Internet trên smartphone, cơ cấu dân số trẻ với khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ lớn... Thêm vào đó, các cơ quan quản lý hiện đang khuyến khích lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ nói riêng và công nghệ số nói chung.

Grab và câu chuyện ứng dụng công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số

Trong đại dịch qua, Grab đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng cũng như nắm bắt xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của toàn nền kinh tế. Một ví dụ cụ thể là ứng dụng Grab Connect do Grab phát triển trong thời điểm đại dịch diễn ra nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Ứng dụng Grab Connect đã giúp thúc đẩy sự thành công của chiến dịch tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn - một chiến dịch do Grab phối hợp thực hiện với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Liên minh Hợp tác xã trong thời gian dự kiến 3 năm liên tục nhằm hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản. Tận dụng lợi thế hệ sinh thái Grab với 3 bên: lượng người tiêu dùng cuối cùng, người bán tham gia trên nền tảng và hệ thống nhà hàng, quán cafe có nhu cầu sử dụng nông sản, Grab đã kết nối hệ sinh thái này với người nông dân và các địa phương, từ đó tạo đầu ra cho nông sản ngay thời điểm chuỗi cung ứng gián đoạn vì đại dịch.

Mô hình này được đánh giá cao vì 3 yếu tố: kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến người tiêu dùng cuối cùng, mở ra khả năng đưa nông sản tiếp cận toàn bộ hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác rộng khắp cả nước và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh tác giả

“Grab nhận thức rất rõ rằng chuyển đổi số không phải câu chuyện vĩ mô mà có tính ứng dụng sâu sắc trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống, toàn bộ các cá nhân của nền kinh tế: từ bà nội trợ cho đến nhân viên văn phòng. Do đó, Grab liên tục phát triển các nền tảng dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu hàng ngày của mọi người dân”

CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân

Về lâu dài, việc ứng dụng công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số như mô hình Grab Connect sẽ góp phần tạo lập giá trị lợi ích bền vững cho ngành nông nghiệp thông qua đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Cụ thể, về phía hợp tác xã nông nghiệp, nhà vườn và nông dân, Grab Connect mở ra đầu ra ổn định cho nông sản và phương thức hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng. Về phía người tiêu dùng, họ có khả năng tiếp cận nguồn nông sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng với giá tốt, được giao hàng tận nơi. Các đối tác của Grab (GrabFood, GrabMart, GrabKitchen, GrabExpress) có thêm nguồn nông sản dồi dào, chất lượng với mức giá tốt. Đây cũng là cơ hội để tài xế Grab có thêm đơn hàng, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, nhất là trong thời điểm đại dịch, khi nhu cầu di chuyển của người dân giảm mạnh.

Grab cũng đặt mục tiêu mang lợi ích của chuyển đổi số đến gần hơn với người dân thông qua mở rộng các dịch vụ giao nhận đến nhiều tỉnh thành khắp cả nước để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng trong chuyển đổi số.

Hội thảo chuyên đề 5 chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành liên quan phối hợp tổ chức.

Diễn đàn cấp cao gắn với triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII. Với chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong kỷ nguyên số", diễn đàn sẽ bao gồm chuỗi 10 hội thảo chuyên đề được tổ chức trong tháng 11, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu, các tổ chức quốc tế uy tín, các cơ quan Chính phủ và giới hoạch định chính sách cũng như các công ty hàng đầu Việt Nam.

Được coi là một trong những sự kiện chính sách lớn nhất 2021, dự kiến phiên Diễn đàn cấp cao sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/12/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Tin liên quan

Đọc tiếp