Chấm dứt hơn 2 năm chỉ bơm tiền, NHNN mạnh tay rút gần 70.000 tỷ đồng khỏi thị trường

TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
11:33 - 25/06/2022
Chấm dứt hơn 2 năm chỉ bơm tiền, NHNN mạnh tay rút gần 70.000 tỷ đồng khỏi thị trường
0:00 / 0:00
0:00
Động thái rút ròng tiền Đồng ra khỏi thị trường của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng đang có dấu hiệu dư thừa và lãi suất liên ngân hàng xuống thấp.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong phiên giao dịch 24/6, cơ quan này đã thực hiện rút ròng gần 20.000 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu trên thị trường mở. Các khoản tín phiếu này được bán ra theo hình thức đấu thầu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,7%/năm và có 7/7 thành viên thị trường trúng thầu.

Như vậy, đây đã là phiên hút ròng tiền Đồng khỏi thị trường thứ 4 liên tiếp của cơ quan quản lý tiền tệ. Cụ thể, sau phiên chào thầu tín phiếu quy mô 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và chỉ có 200 tỷ đồng khớp (hút về) với lãi suất trúng thầu 0,3%/năm vào ngày 21/6, thì liên tiếp trong phiên 22/6 và 23/6, NHNN đã hút về lần lượt 19.400 tỷ và gần 30.000 tỷ với lãi suất lên tới 0,7% dù cùng loại tín phiếu kỳ hạn 7 ngày.

Kết quả, chỉ sau 4 phiên giao dịch gần nhất, gần 70.000 tỷ đồng đã được NHNN rút khỏi thị trường. Động thái rút ròng tiền Đồng ra khỏi thị trường của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng đang có dấu hiệu dư thừa và lãi suất liên ngân hàng xuống thấp.

Khi hệ thống thiếu tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, nếu lãi suất này chạm trần mục tiêu thì NHNN sẽ bơm thanh khoản bằng hai công cụ là Repo giấy tờ có giá hoặc Cửa sổ chiết khấu.

Ngược lại, khi hệ thống thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nếu giảm chạm đáy mục tiêu thì NHNN sẽ hút tiền về bằng việc bán đứt tín phiếu. Khi đó, tiền sẽ chảy về NHNN, hệ thống giảm sự dư thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào vùng mục tiêu.

Theo các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng bắt đầu dôi dư là hệ quả của các đợt tăng lãi suất huy động liên tiếp từ đầu năm, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại do nhiều ngân hàng đã gần chạm trần hạn mức NHNN cấp.

Với việc bơm tiền USD và rút tiền VNĐ khỏi thị trường, động thái này xuất phát từ áp lực tỷ giá tăng lên khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất điều hành, khiến chỉ số USD-Index tăng mạnh.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD đã liên tục biến động từ đầu tháng 5 đến nay, hiện tăng gần 2% so với cuối năm 2021. Tương tự, giá bán USD trên thị trường tự do cũng đã tăng 1,6% giai đoạn này, hiện phổ biến dao động quanh vùng 24.000 đồng/USD.

Diễn biến này khiến NHNN phải có biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường thông qua tăng lượng tiền USD lưu hành trên thị trường.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 2 năm qua NHNN mới thực hiện rút ròng tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu khi suốt từ năm 2020 đến nay, cơ quan này chỉ thực hiện bơm ròng tiền Đồng ra thị trường và thực hiện các giao dịch đáo hạn tín phiếu.

Ngoài ra, báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, cơ quan quản lý tiền tệ đã bán ra khoảng 7 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang. Tính theo tỷ giá hiện tại, sẽ có gần 163.000 tỷ đồng rút khỏi khỏi thị trường trong vòng 3 tháng tới.

Diễn biến này trái ngược hoàn toàn so với năm trước khi NHNN liên tiếp bơm tiền VNĐ ra thị trường thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn. Ước tính, năm 2021, cơ quan này đã bơm ròng 160.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này.

NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ

Trong năm 2018, NHNN đã tích cực mua vào USD, tương ứng một lượng VND khổng lồ liên tục được đẩy ra nền kinh tế. Để trung hòa lượng tiền này, trước năm 2020, ban đầu NHNN tích cực hút tiền về trên thị trường mở để cân đối tạm thời bằng việc duy trì nền lãi suất tín phiếu, thậm chí có lúc hút với kỳ hạn 3 tháng.

Nhưng do tác động dịch bệnh, để hỗ trợ thanh khoản và mục tiêu giảm lãi suất, NHNN quyết định dừng hoạt động trên kênh tín phiếu, chủ động duy trì lượng thanh khoản dư thừa khổng lồ trong hệ thống ngân hàng, khiến lãi suất liên ngân hàng liên tục ở mức cận 0 trong gần 1 năm.

Sau hơn 2 năm đóng băng, NHNN đã chính thức sử dụng lại công cụ này với tâm thế đầy quyết liệt. Điều này phát đi tín hiệu về khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của nhà điều hành sau một thời gian dài nới lỏng.

Theo giới phân tích, thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu một phần do hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và tăng trưởng huy động phục hồi mặc dù dư nguồn trên thị trường 1 đạt mức thấp nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã nỗ lực duy trì các lãi suất chính sách của Việt Nam, dẫn đến áp lực lên dòng chảy USD và theo đó là tỷ giá hối đoái.

Thực tế, tỷ giá USD đã liên tục biến động mạnh vào tháng 5 và đầu tháng 6, trái ngược hoàn toàn so với với sự ổn định được duy trì trong các năm trước. So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2,5%. Trong khi giá USD trên thị trường tự do tiếp tục duy trì quanh vùng 23.950 – 24.000 đồng/USD, tương ứng mức tăng khoảng 1,6% so với cuối năm 2021.

Diễn biến này khiến NHNN phải có những biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường như thay đổi tỷ giá bán USD cũng như bán ngoại tệ hỗ trợ nhu cầu thị trường.

Trao đổi với báo chí về việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đọc tiếp