Châu Âu huy động 140 tỷ USD đối phó khủng hoảng năng lượng

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
11:54 - 15/09/2022
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm giúp bảo vệ các hộ gia đình và các doanh nghiệp châu Âu khỏi cơn khủng hoảng năng lượng đang đe dọa suy thoái kinh tế và vỡ nợ hàng loạt, các lãnh đạo EU hôm 14/9 đã vạch ra một kế hoạch huy động hơn 140 tỷ USD để ứng phó.

Vốn đang trên đà tăng từ trước nhưng giá khí đốt và điện trên toàn châu Âu đã ngay lập tức tăng vọt lên ngưỡng cao hơn nữa sau khi Nga tuyên bố cắt giảm xuất khẩu nhiên liệu sang khu vực này vô thời hạn. Như một hệ quả tất yếu, các hóa đơn tiền điện ngay lập tức nhảy vọt trong khi nhiều công ty phải vật lộn với suy giảm thanh khoản.

Theo Reuters, hiện giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã tăng lên khoảng 208 USD / MWh, một ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục của tháng 8 là trên 343 USD nhưng vẫn cao hơn 200% so với một năm trước. Tuy đã đạt được mục tiêu lấp đầy 80% các kho dự trữ vào tháng 11, việc Nga cắt giảm nguồn cung sẽ khiến triển vọng cho toàn bộ mùa đông tại châu lục này trở nên không chắc chắn.

Theo nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, giá cả tăng cao chính là động lực chi phối chính của lạm phát trong khu vực đồng Euro. Do đó, Reuters cho biết các chính phủ châu Âu đã phản ứng lại bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có kế hoạch huy động 140 tỷ USD.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen tuyên bố các quốc gia thành viên EU đã đầu tư nhiều tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và cả các doanh nghiệp. Cụ thể, Pháp đã công bố giới hạn giá năng lượng mới cho năm 2023 và Đan Mạch cũng chuẩn bị áp mức giá trần tạm thời đối với hóa đơn năng lượng.

Tại Pháp, nhà điều hành lưới điện RTE cho biết không có nguy cơ mất điện toàn bộ vào mùa đông nhưng không loại trừ một số trường hợp cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm. Trên hết, người dân cũng cần phải cắt giảm nhu cầu của mình để tiết kiệm năng lượng.

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng trước mùa đông, người dân châu Âu phải tiết kiệm năng lượng trong khi các chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ. Ảnh: Reuters

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng trước mùa đông, người dân châu Âu phải tiết kiệm năng lượng trong khi các chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ. Ảnh: Reuters

Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga đã khiến chính phủ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tích cực hơn nữa và ngăn chặn việc hàng loạt công ty điện lực rơi vào tình trạng vỡ nợ. Theo đại diện nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga là Uniper, chính phủ Đức có thể nắm cổ phần kiểm soát trong tập đoàn để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng.

Trước đó, tập đoàn năng lượng địa phương VKU của Đức cũng đã cảnh báo về khả năng vỡ nợ hàng loạt. Một số công ty năng lượng tại EU và Anh đã sụp đổ do không thể chuyển bớt tác động của việc tăng giá khí đốt sang người tiêu dùng.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) còn đưa ra các đề xuất bao gồm giới hạn doanh thu từ các máy phát điện hay buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch chia sẻ lợi nhuận thu được từ việc bán năng lượng giá cao.

Dù vậy, các kế hoạch này của EU lại không bao gồm ý tưởng được kêu gọi rộng rãi trước đó là giới hạn giá khí đốt của Nga vốn đã gây nhiều tranh cãi trong nội bộ khối. Trong khi một số cho rằng biện pháp này sẽ giúp hạ nhiệt tình hình, một số khác lại cảnh báo giá năng lượng sẽ leo lên một mức kỷ lục mới nếu biện pháp áp giá trần thực sự được áp dụng.

Phản ứng lại động thái này từ EU, Nga đã tuyên bố sẽ cắt tất cả các nguồn cung cấp nhiên liệu nếu đề xuất này được đưa vào thực thi.

Đọc tiếp