Châu Âu khó tìm nguồn cung thay thế dầu Nga nếu cấm vận

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
06:12 - 06/05/2022
Nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại Oder, Đức. Ảnh: Reuters
Nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại Oder, Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Do chiến dịch quân sự tại Ukraine, Liên minh châu Âu đã chính thức ban hành lệnh cấm dầu mỏ của Nga theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, tác động của các lệnh cấm sẽ không chỉ trong phạm vi nền kinh tế Nga mà còn lên khối này và cả thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU thường nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô một ngày và 1,2 triệu thùng dầu tinh luyện trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Với các lệnh cấm dầu theo từng giai đoạn lên lĩnh vực năng lượng của Nga, Liên minh châu Âu sẽ phải tìm cách dần trở nên độc lập và gấp rút tìm kiếm nguồn cung thay thế. Thêm vào đó, nhiều lĩnh vực cả đời sống lẫn công nghiệp của khu vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiên liệu cho các phương tiện vận chuyển sẽ đắt hơn

Reuters nhận định nhiên liệu để đổ đầy bình xăng mỗi người dân tại châu Âu chắc chắn sẽ trở nên đắt hơn sau lệnh cấm này. Nguyên nhân là do EU không những nhập khẩu dầu thô từ Nga mà còn nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế như dầu diesel để làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải hành khách và công nghiệp.

Do đó, việc nhập khẩu từ bất kỳ nguồn thay thế nào từ các quốc gia xa hơn Nga sẽ đồng nghĩa với việc chi phí vận chuyển gia tăng và từ đó khiến giá năng lượng tăng cao hơn. Điều này sẽ còn nghiêm trọng hơn tại các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga như Đức – nơi nhập khẩu tới 74% dầu diesel từ xứ bạch dương theo công ty tư vấn FGE Energy. Và một khi giá năng lượng gia tăng, giá của nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo, làm trầm trọng thêm lạm phát.

Hệ thống đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga tới các nhà máy lọc dầu trên khắp Ukraine, Belarus, Slovakia, Ba Lan, Đức, CH Séc, Hungary và Croatia.

Hệ thống đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga tới các nhà máy lọc dầu trên khắp Ukraine, Belarus, Slovakia, Ba Lan, Đức, CH Séc, Hungary và Croatia.

Các công ty lọc dầu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga

Theo IEA, dầu của Nga chiếm tới 20% lượng dầu tinh chế ở châu Âu. Một số nhà máy lọc dầu sản xuất nhiên liệu từ xăng đến nhiên liệu máy bay như PCK Schwedt và Leuna của Đức cũng như các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Ba Lan đều được cung cấp dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba.

Trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị loại bỏ hoàn toàn, các công ty PCK Schwedt và Leuna của Đức có thể tiếp nhận nguồn cung từ cảng biển Baltic của Đức là Rostock. Mặt khác, Ba Lan có thể chuyển sang vận chuyển nguồn cung bằng đường biển từ các thị trường khác như Ả Rập Xê-út hoặc Na Uy thông qua cảng Gdansk ở Biển Baltic. Trong khi cố gắng thay thế toàn bộ dầu thô của Nga trong các nhà máy lọc dầu của mình, Ba Lan có thể chuyển dầu tới 2 nhà máy lọc dầu trên của Đức thông qua cảng Gdansk. Tuy nhiên, các thông tin này hiện vẫn chưa được làm rõ.

Đối với các quốc gia giáp biển như hai quốc gia này, việc thay đổi đường cung là vẫn có thể, tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào sẽ cao hơn và từ đó dẫn tới giá tới tay người dùng cao hơn.

Tuy nhiên đối với các quốc gia không giáp biển, việc bù đắp lượng dầu của đường ống Druzhba sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Các quốc gia này sẽ phải tính toán tới các phương án vận chuyển bằng xe tải, đường sắt, đường sông hoặc thông qua các dự án đường ống mới như TAL đi từ Địa Trung Hải qua Áo đến Đức. Trên hết, việc gia hạn vẫn cần sự chấp thuận của các cơ quan chức năng miền nam nước Đức và sẽ tốn nhiều năm trước khi chính thức hoàn thành.

Với tình hình khó khăn hiện tại, các quốc gia gồm Slovakia, Bulgaria và Cộng hòa Séc đang tìm cách miễn trừ lệnh cấm sắp được thực thi của EU đối với dầu của Nga. Trong khi đó, Hungary hoàn toàn không ủng hộ kế hoạch này do các lo ngại về an ninh năng lượng quốc gia. Những khách hàng truyền thống của Nga giờ đây sẽ phải cạnh tranh với các khách hàng tại châu Á và thậm chí là cả với nhau để tìm nguồn dầu thay thế.

Cảng Rostock của Đức. Ảnh: Rostock Port
Cảng Rostock của Đức. Ảnh: Rostock Port

Các nhà máy lọc dầu không có nhiều lựa chọn ngoài dầu Nga

Các nhà máy lọc dầu thường được thiết lập để xử lý một loại dầu thô cụ thể. Đối với các nhà máy lọc dầu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga, loại dầu này sẽ là dầu Ural. Do đó nếu các quốc gia châu Âu nhận nguồn cung dầu thô khác từ Na Uy, Trung Đông, Mỹ hay Tây Phi, dầu sẽ bị pha trộn và các nhà máy này sẽ cần thực hiện một số cải tiến.

Tuy nhiên, việc cải tiến sẽ tốn kém, làm ảnh hưởng tới năng suất của nhà máy và từ đó dẫn tới nhiều chi phí phụ hơn ngoài chi phí vận chuyển hàng hóa vốn đã tốn kém.

Cắt giảm các quy trình lọc dầu cũng không phải là một lựa chọn tối ưu do các nhà máy lọc dầu không thể cứ thế đơn giản bị tắt đi như một nhà hàng chỉ vì việc vận hành tốn kém nhiều tiền.

Trên toàn cầu, vốn công suất lọc dầu đang bị thu hẹp do các nền kinh tế đều muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đại dịch cũng góp phần vào xu hướng này khi dữ liệu từ Morgan Stanley cho thấy công suất thế giới đã giảm khoảng 2,7 triệu thùng / ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan.

Giờ đây khi thế giới bắt đầu phục hồi trở lại và việc phong tỏa lần lượt kết thúc, tỷ suất lợi nhuận của ngành lọc dầu đã tăng vọt. Điều này có nghĩa là các nhà máy lọc dầu sẽ cố gắng đổ nhiều nhiên liệu nhất có thể vào thị trường. Với các nhà máy gặp khó về nguồn cung, khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận của các công ty này sẽ thấp hơn do chi phí thô gia tăng. Từ đó, công suất lọc dầu có thể bị chậm lại.

Trong bối cảnh phức tạp này, các nước EU lại chỉ có thời hạn từ giờ tới cuối năm để chuẩn bị cho sự gián đoạn có khả năng cao sẽ xảy ra tại các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên nếu Nga lựa chọn cắt nguồn cung trước, thị trường của khối có thể sẽ còn gặp phải nhiều gián đoạn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đức thậm chí còn đưa ra cảnh báo về một cuộc suy thoái không thể tránh khỏi nếu không có nguồn cung dầu và khí đốt giá rẻ của Nga.

Cảng Gdansk, Ba Lan. Ảnh: Cruise Mapper

Cảng Gdansk, Ba Lan. Ảnh: Cruise Mapper

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.