Châu Âu ngày càng phụ thuộc nguồn cung dầu châu Á và Trung Đông

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
17:10 - 28/11/2022
Thiếu năng lực lọc dầu khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á và Trung Đông. Ảnh: Bloomberg
Thiếu năng lực lọc dầu khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á và Trung Đông. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine đang gây ảnh hưởng sâu rộng tới ngành năng lượng vốn rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của châu Á và Trung Đông dưới tư cách các nhà cung cấp năng lượng.

Kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, Mỹ và đặc biệt là các quốc gia châu Âu vẫn luôn tích cực tìm kiếm các phương pháp giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, do Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu, việc ngừng sử dụng đồng nghĩa với việc châu lục này phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung.

Cụ thể theo Bloomberg trích dẫn dự báo của Wood Mackenzie, dự trữ dầu diesel của Tây Bắc Châu Âu đang cạn kiệt và sẽ đạt mức thấp nhất vào đầu mùa xuân khi Liên minh Châu Âu tìm cách cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu của Nga bằng đường biển vào tháng 2/2023.

Trong khi đó, tình trạng thiếu dầu diesel và xăng ngày càng gia tăng ở Bờ Đông nước Mỹ đang thúc đẩy Tổng thống Joe Biden cân nhắc tới việc yêu cầu các công ty dầu mỏ dự trữ nhiều nhiên liệu hơn trong nước.

Ngoài ra trong những năm gần đây, việc phương Tây cắt giảm đáng kể công suất lọc dầu của mình càng khiến tình hình thêm phức tạp. Theo tập đoàn tư vấn FGE, các thị trường phương Tây bao gồm châu Mỹ và châu Âu cắt giảm 2,4 triệu thùng/ngày khỏi công suất lọc dầu ròng, trong khi Trung Đông và châu Á tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày.

Khoảng cách trên dự kiến ​​​​sẽ ngày càng mở rộng khi ước tính của Rystad Energy cho thấy khoảng 8 triệu thùng dầu/ngày trong công suất lọc dầu mới sẽ được đưa vào hoạt động trong 3 năm tới với châu Á dẫn đầu.

Điều này xảy ra do các quốc gia với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Trung Quốc muốn xây dựng các nhà máy lọc dầu lớn hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Nhưng ngược lại, Mỹ và châu Âu lại muốn tập trung vào việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Việc thiếu nhà máy lọc dầu càng khiến tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt là với các quốc gia không có đủ năng lực lọc dầu. Trong hoàn cảnh này, bất kỳ sự cố nào như công nhân đình công hoặc nhà máy đóng cửa đều có thể gây ra tác động tức thì lên thị trường.

Theo ông Eugene Lindell từ công ty tư vấn FGE, các yếu tố trên khiến phương Tây buộc phải gia tăng sự phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và châu Á. Ông Mukesh Sahdev, một giám đốc tại Rystad, đồng ý với nhận định trên khi cho rằng châu Á và Trung Đông sẽ ngày càng trở thành những nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho thế giới.

Hiện tại, dữ liệu của Vortexa đã cho thấy khối lượng nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển cao hơn 3% so với mức trung bình được thấy trong 5 năm qua, dẫn đầu bởi dầu diesel từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu. Hơn nữa, một khi châu Âu cấm nguồn cung từ Nga, nó còn có thể tăng cao hơn nữa.

Nhằm đưa ra dự đoán cho tương lai, ông Lindell của FGE nhận định thế giới sẽ chứng kiến các chính sách năng lượng thực tế hơn trong tương lai khi nhiều chính phủ dồn trọng tâm vào ngắn hạn và trung hạn thay vì dài hạn. Các chính phủ châu Âu cũng tương tự khi buộc phải ưu tiên giải quyết các hóa đơn năng lượng khổng lồ và tỷ lệ lạm phát tăng vọt thay vì suy tính cho khoảng thời gian 2040 -2050.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, nó vẫn sẽ tồn tại và vẫn sẽ được thực hiện.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.