Châu Âu tiếp tục chia rẽ về việc thanh toán khí đốt cho Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
12:31 - 29/04/2022
Châu Âu chia rẽ về một lệnh cấm vận năng lượng Nga và chia rẽ cả về việc thanh toán tiền năng lượng cho Nga. Ảnh: TASS
Châu Âu chia rẽ về một lệnh cấm vận năng lượng Nga và chia rẽ cả về việc thanh toán tiền năng lượng cho Nga. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Theo tập đoàn Gazprom của Nga, Ba Lan vẫn đang tiếp tục mua khí đốt của nước này thông qua Đức, trong khi nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn nối lại đàm phán với Nga sau khi bị cắt nguồn cung, làm nổi bật thái độ chia rẽ của châu Âu với lệnh cấm năng lượng Nga.

Một tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước ông sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ khí đốt, dầu và than của Nga vào cuối năm nay. Tới 26/4, ông Piotr Naimski, Đặc mệnh toàn quyền về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược của Chính phủ Ba Lan, đã nhấn mạnh điều này một lần nữa. Cụ thể, ông tái khẳng định Warsaw không có ý định mua khí đốt từ các công ty Nga nữa.

Tới hôm 27/4, Nga chính thức ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan do Warsaw đã không tuân thủ theo các cơ chế yêu cầu thanh toán nhiên liệu mới. Bulgaria, một nước châu Âu khác cũng đã bị ngừng nguồn cung vì lý tương tự. Sau động thái được EU gọi là “đe dọa” này từ phía Nga, Thủ tướng Ba Lan đã trấn an người dân rằng nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình vẫn sẽ được cung cấp đầy đủ để mọi người có thể sưởi ấm nhà cửa và nấu ăn.

Tuy nhiên trong thông báo chính thức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom hôm 28/4, Ba Lan đã đi ngược lại tuyên bố của mình và vẫn tiếp tục mua khí đốt từ Nga sau khi bị cắt nguồn cung. Ông Sergey Kupriyanov, phát ngôn viên chính thức của tập đoàn, cho biết khí đốt của Nga quay ngược trở lại thị trường Ba Lan qua đường ống Yamal – Châu Âu từ Đức.

Theo RT, dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí đốt của Đức là Gascade cũng chứng minh điều này khi cho thấy Ba Lan đã tăng gấp 5 lần nguồn cung khí đốt từ nước này so với trước khi bị cắt nguồn cung.

Thêm vào đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan Pawel Szefernaker cũng không thực hiện được cam kết của chính phủ về đảm bảo năng lượng, khi thông báo rằng hàng chục thành phố tại nước này đã không có gas dùng do các lệnh trừng phạt lên tập đoàn năng lượng khổng lồ Novatek của Nga ngày 27/4.

Ở một diễn biến khác, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Kornelia Ninova cho biết các doanh nghiệp nội địa của nước này muốn “nối lại đàm phán với Gazprom” sau khi bị cắt nguồn cung. Tại cuộc họp với Tổ chức Nhà tuyển dụng Chuyên nghiệp Bulgaria (PEO), bà đề xuất giá khí đốt nên được giữ nguyên hoặc giới hạn ở mức trong hợp đồng với Gazprom.

Thêm vào đó, nếu giá cả của các nguồn cung thay thế có xảy ra bất cứ sự chệnh lệch nào, nhà nước sẽ chi trả số tiền còn lại. Bulgaria phụ thuộc vào Nga gần 90% nhu cầu khí đốt, trong khi phần nhỏ còn lại đến từ Azerbaijan.

Với tình hình trước mắt, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov tuyên bố rằng nước này có đủ nguồn cung cấp khí đốt cho hơn một tháng nên không có gì thay đổi, đồng thời nhấn mạnh sẽ không chấp nhận các điều khoản của Nga về xuất khẩu khí đốt.

Trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde, ông Petkov chia sẻ nguyên nhân là do nước này sắp hoàn thành việc xây dựng một tuyến liên kết mới với Hy Lạp vào cuối tháng 6. Thêm vào đó, Bulgaria cũng đang mong đợi một chiến lược chung về mua khí đốt hóa lỏng của Ủy ban châu Âu”.

Tuy nhiên việc thanh toán năng lượng cho Nga tiếp tục là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Theo tờ Financial Times đưa tin hôm 28/4, một số công ty năng lượng lớn nhất châu Âu đã có dấu hiệu sẽ chấp nhận các yêu cầu thanh toán của điện Kremlin. Các nguồn tin của tờ báo này cho biết nhiều nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Hungary và Slovakia đang định mở tài khoản bằng đồng Ruble tại ngân hàng Gazprombank ở Thụy Sĩ khi thời hạn thanh toán đến gần.

Theo cơ chế mới, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu bằng đồng Euro cho ngân hàng Gazprombank để không vi phạm các lệnh trừng phạt. Khi đó, ngân hàng Nga sẽ chuyển tiền gửi bằng đồng Euro thành Ruble trong tài khoản thứ hai do họ đứng tên rồi thanh toán tiếp cho nhà cung cấp khí đốt của Nga.

Giám đốc tài chính của Uniper Tiina Tuomela của Đức thể hiện dấu hiệu chấp thuận yêu cầu từ Nga khi cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi quy trình thanh toán vẫn tuân thủ theo các lệnh trừng phạt và do đó, việc thanh toán là có thể thực hiện được”. Ngoài ra, các nguồn tin của Finantial Times cũng cho biết một khách hàng lớn khác của Gazprom là tập đoàn Eni của Italy đang đánh giá các lựa chọn thanh toán của mình.

Tuy nhiên theo Bloomberg hôm 26/4, công ty dầu khí đa quốc gia OMV của Áo đã phủ nhận kế hoạch mở một tài khoản tại Thụy Sĩ để thanh toán tiền khí đốt cho Nga. Theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, việc Áo chuyển sang thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng Ruble là tin giả.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.