Chỉ có 4 trong tổng số 168 công ty Nhật rút khỏi Nga

DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN
12:14 - 27/06/2022
Cửa hàng Uniqlo tại Nga. Ảnh: SOPA Images
Cửa hàng Uniqlo tại Nga. Ảnh: SOPA Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trường Quản lý Yale (Yale SOM), chưa đến 3% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Nga quyết định rút khỏi nước này sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine bắt đầu ngày 24/2 - tỷ lệ thấp nhất trong nhóm G7.

Theo phân tích của Teikoku Databank dựa trên dữ liệu cuộc khảo sát của Yale SOM với 1.300 công ty lớn trên thế giới, tính tới 19/6 chỉ có 4 trong tổng cộng 168 công ty Nhật Bản đã quyết định ngừng kinh doanh tại đây.

Tỷ lệ này tương đương với 2,4%, trái ngược hoàn toàn với 48% các công ty Anh, 33% các công ty Canada và 29% các doanh nghiệp Mỹ. Nó cũng biến Nhật Bản trở thành nước G7 có tỷ lệ các công ty rút khỏi Nga thấp nhất.

Tờ Japan Times nhận định kết quả này chỉ ra rằng có một số lượng đáng kể các công ty Nhật Bản giữ thái độ thận trọng với việc rời hoàn toàn khỏi thị trường Nga. Các công ty chỉ tạm ngừng hoạt động với hy vọng có thể tiếp tục việc kinh doanh trở lại trong tương lai.

Khi được hỏi về nguyên nhân cho mức tỷ lệ thấp này, một quan chức thuộc Teikoku Databank cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ các công ty Nhật Bản không “xây dựng kế hoạch chi tiết về việc rút đi từ trước". Kể cả các công ty quyết định tạm ngừng sản xuất, hoạt động hoặc giao dịch, chẳng hạn như ngừng vận chuyển và nhận đơn đặt hàng, cũng có thái độ tương tự. Trong số 40% công ty tạm dừng kinh doanh, các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota hay Nissan đều đã tái khởi động các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Nga.

Cuộc khảo sát này diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo G7 đang chuẩn bị khai mạc hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở miền nam nước Đức với mục tiêu gây áp lực lên Nga. Đồng thời, nó cũng nhằm bàn bạc về các phương pháp đối phó với những hậu quả ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine với thế giới.

Vấn đề nhập khẩu năng lượng từ Nga cũng sẽ là một trong những chủ đề được đưa vào thảo luận trong khuôn khổ hội nghị. Theo các nguồn tin thân cận với Bloomberg, các nhà đàm phán G7 đã nhất trí trước hội nghị thượng đỉnh rằng việc áp dụng giới hạn giá dầu của Nga cần phải được thảo luận chính thức.

Theo nguồn tin ẩn danh này, cơ chế giới hạn giá sẽ ngăn chặn việc Nga bán dầu với giá cao hơn, từ đó có thể giúp các nước châu Âu phần nào ngăn chặn lạm phát gây ra bởi giá năng lượng tăng mạnh.

Đọc tiếp