Chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng 7

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
18:31 - 04/08/2022
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục vắng bóng trên "sân chơi" trái phiếu.
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục vắng bóng trên "sân chơi" trái phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 7 chỉ có 1 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với giá trị 210 tỷ đồng là CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An. Đây là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh.

Cụ thể, theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày 29/7/2022, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố trong tháng 7 với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành).

Trong đó, đứng đầu là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phát hành 4.494 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 21 tháng. Theo sau là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) với 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, qua 1 đợt phát hành.

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành). Nổi bật nhất là Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ có bảo lãnh 1 phần của GuarantCo và tuân theo theo chuẩn mực phát hành của ICMA. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,7%/năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4,5% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 191.279 tỷ đồng, giảm 38% (chiếm khoảng 95,5% tổng giá trị phát hành).

Dữ liệu VBMA tổng hợp được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, còn tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 280.737 tỷ đồng.

Ngóng chờ Nghị định 153/2020 sửa đổi

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì trạng thái trầm lắng sau vụ việc vi phạm tại Tân Hoàng Minh. Các doanh nghiệp đều đang chờ đợi Nghị định 153/2020 sửa đổi quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra ngày 3/8, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đã soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Các quy định tại dự thảo được sửa đổi theo hướng yêu cầu tổ chức phát hành sử dụng vốn đúng mục đích như phải công bố thông tin cụ thể, rõ ràng, sau này kiểm tra nếu không đúng sẽ được coi là vi phạm.

Ngoài ra, tổ chức phát hành phải thuê các đơn vị kiểm toán và tư vấn tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch về tình hình tài chính, thông tin trái phiếu và định giá tài sản đảm bảo. Nghị định mới cũng quy định việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình, chào bán TPDN cho cá nhân phải trao đầy đủ quyền sở hữu trái phiếu cho cá nhân.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tuy nhiên, ông Phớc cho biết dự thảo Nghị định đã được “đưa lên đưa xuống” nhiều lần mà chưa được thông qua. Hiện Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp chưa thống nhất, vì vậy ông Phớc đề nghị đưa ra Chính phủ quyết luôn. Bộ Tài chính và Bộ Công an sẽ thống nhất siết lại một số quy định để quản lý chặt chẽ hơn. Theo Bộ trưởng Tài chính, khung khổ pháp lý chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường TPDN phát triển ổn định, bền vững.

Trước yêu cầu của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp để giải quyết các vướng mắc tại thảo, nếu không giải quyết được thì trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

Doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Sang tới năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.

Hiện nay, ngoại trừ các trái phiếu bị hủy trong vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở giao dịch Chứng khoán cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý là trong quý 2 vừa qua, các doanh nghiệp đã chi hơn 49.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn - gấp gần 4 lần khối lượng tất toán sớm trong quý đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ mua lại trái phiếu phát hành dù chưa đến thời điểm đáo hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.