Chi phí đẩy thách thức mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2022

LẠM PHÁT Việt nAM
15:12 - 04/04/2022
Chi phí đẩy thách thức mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Bão giá đối với mặt hàng nguyên, nhiên liệu và hàng hóa cơ bản hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang dồn áp lực và thách thức đến mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4% mà Chính phủ đặt ra trong năm 2022.

Trao đổi tại đối thoại "Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy" diễn ra ngày 4/4, các chuyên gia đều thừa nhận rằng, xăng dầu tăng đã gây áp lực rất lớn đến chỉ số lạm phát. Lý do xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do vậy, việc giá xăng dầu tăng cao thường khiến các sản phẩm tiêu dùng khác phải tăng giá theo.

Bình quân quý 1/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), nếu giá xăng tăng lên 30% thì lạm phát tăng thêm 1,05%.

Ngoài xăng dầu, theo các chuyên gia việc ứng phó với "bão giá" phân bón cũng tạo nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Hiện nay, giá phân bón đã lập đỉnh cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2021, giá bán phân bón DAP tăng phi mã lên tới 46%; phân bón MAP tăng 44%; Kali tăng 102%.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin: "Chúng tôi chứng kiến có những tàu chở hàng phân bón dù chưa cập bến tại Việt Nam nhưng đều được bán hết, thậm chí, giá cao ngất ngưởng nhưng cũng không có hàng mà bán".

Theo ông Ngọc, phân bón chiếm đến 40-45% chi phí đầu vào nên giá phân bón leo thang thời gian qua khiến chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng rất mạnh, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Giá sản phẩm nông nghiệp tăng không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân mà rộng hơn là cả người lao động nói chung

Do đó, việc giá cả tăng tác động đến nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng, khiến sản phẩm nông nghiệp khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới càng trở nên khó khăn hơn.

Ảnh tác giả

Đáng lo ngại, giá cả vật tư nông nghiệp trong tình hình này sẽ tiếp tục ở mức cao, không có câu chuyện đi xuống, chỉ có tăng hoặc đứng. Đồng nghĩa chi phí đầu vào việc sản xuất nông nghiệp bị tác động, giá cả sản phẩm cũng sẽ bị tác động theo.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam trăn trở.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% có dễ dàng thực hiện?

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại: Kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất.

Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%. Lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.

Theo đó, với diễn biến CPI của quý 1 vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Ảnh tác giả

Chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất và phải kiểm soát được vấn đề này, lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.

Chúng tôi cũng sẽ tính toán đến kịch bản lạm phát do cầu kéo. Tổng cầu đang dần phục hồi, đây là một điều đáng mừng vì sức khỏe của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và các chính sách vĩ mô bắt đầu phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế.

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát trong khủng hoảng nhiên liệu và nguyên vật liệu cơ bản tác động vào các nước phát triển rất mạnh, nhưng tác động vào các nước châu Á, nhất là những nước đang phát triển, mới nổi, thì lại không nhiều. Đối với Việt Nam, giá lương thực thực phẩm, dù giá phân bón có tăng, không phải áp lực lớn với Việt Nam bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản.

Ảnh tác giả

Trong khoảng 6 yếu tố tác động tới lạm phát thì Việt Nam có 4 yếu tố có lợi và chỉ 2 yếu tố bất lợi. Do đó, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được

TS. Lê Xuân Nghĩa.

Cũng theo ông Nghĩa, điều đáng lo ngại là nếu lạm phát chi phí đẩy làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ, khiến cung giảm. Tuy nhiên, chỉ số quản trị mua hàng mấy tháng gần đây đang có xu hướng tăng tích cực, cho thấy nguồn cung khó có thể giảm và thậm chí đang tăng khá nhanh, thể hiện rõ ràng trong kết quả kinh doanh quý 1.

Ngoài ra, lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may. Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.

Thêm vào đó, việc kiểm soát cung tiền cũng được triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo. Theo các chuyên gia, cách Ngân hàng Trung ương kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt. Do đó không lo ngại rằng Việt Nam sẽ bị “tứ bề gặp giặc” về lạm phát mà chỉ “một bề” là chi phí đẩy.

Chi phí đẩy thách thức mục tiêu lạm phát

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, quyền hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM lại cho rằng, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% không phải dễ dàng. Lạm phát trung bình cả năm 2022 vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%, nhưng tính từng tháng và so với cùng kỳ năm trước sẽ vượt qua ngưỡng này ở những tháng cuối năm.

Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%, ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo ông Trung, kịch bản hiện tại chưa chắc đã phải là xấu nhất, vấn đề năng lượng không thể dự báo chính xác. Đồng thời, chi phí y tế và giáo dục dù năm nay có thể kiểm soát được nhưng những năm tiếp theo vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường.

Mặt khác, yếu tố cầu kéo cũng cần phải quan tâm. Hiện tại, do chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa tăng theo ngày. Hay như diễn biến người dân không tái đàn lợn, trong khi nhu cầu thực phẩm vẫn không đổi.

Ảnh tác giả

Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là rất khó. Nên có những điều chỉnh phù hợp với chỉ tiêu lạm phát 4% đã đặt ra, nhằm tránh hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Điều chỉnh sớm sẽ tránh áp lực lên các nhà quản lý, tránh tâm lý kỳ vọng của người dân.

Ông Nguyễn Đức Trung, quyền hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP HCM.

Tin liên quan

Đọc tiếp