Chi phí logistics nội địa cao gây khó cho xuất khẩu

logistics Việt nAM
14:20 - 21/12/2022
Giải pháp nào để cắt giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất khẩu. Nguồn: Mekong Logistics.
Giải pháp nào để cắt giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất khẩu. Nguồn: Mekong Logistics.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, giá cước vận tải biển quốc tế giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa cao đang là thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đây là nội dung được các chuyên gia và đại biểu thảo luận tại Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM, ngày 20/12.

Cước vận tải biển giảm sâu

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sự phát triển của ngành logistics gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.

Nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam là sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung và với khu vực châu Âu – châu Mỹ hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến các vấn đề như, cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như kho bãi, trung tâm logistics; quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin; thiếu liên kết,...

Đây là những hạn chế rất lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn sang khu vực châu Âu - châu Mỹ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho biết, với đặc thù là nhóm hàng có thể tích lớn, cồng kềnh nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển. Một container gỗ trị giá 20.000-30.000 USD, trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30%. "Hiện nay, mặc dù cước vận tải nước ngoài giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa đang cao và có xu hướng tăng lên" ông Phương cho biết.

Theo bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA), một trong những vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu – châu Mỹ quan tâm là giá cước vận tải, đây cũng là vấn đề có nhiều biến động trong 2 năm trở lại đây.

Cụ thể, cước vận tải quốc tế tăng mạnh từ năm 2021 với tỉ lệ tăng từ 8 - 10 lần so với thời kỳ trước Covid-19 (2019-2020). Có giai đoạn giá cước vận tải đường biển đi từ Việt Nam đến bờ đông nước Mỹ lên tới hơn 15.000 USD/container nhưng doanh nghiệp không đặt được tàu và container rỗng. Thời điểm đó, các lô hàng bán theo điều kiện FOB (Free On Board) bị ngưng vì người mua không thể trả cước chênh lệch quá cao. Trong khi các lô hàng bán theo điều kiện CIF (Cost - Insurance – Freight) bị hủy do các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể trả cước vận chuyển, nhiều đơn hàng giá cước vận chuyển cao hơn giá trị hàng hóa.

Theo bà Lan, nguyên nhân của việc tăng giá cước vận tải biển là do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; cảng biển và sân bay trên thế giới đều bị kẹt nghiêm trọng trong thời gian dài; tình trạng thiếu container rỗng trầm trọng, vòng xoay tàu giảm làm cho cầu lớn hơn cung dẫn đến cước vận tải quốc tế tăng kỷ lục.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2022 cước vận tải quốc tế, đặc biệt là các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ đã giảm nhiều so với năm 2021 và đến quý IV/2022 cước vận tải quốc tế đang có xu hướng trở về trạng thái bình thường như giai đoạn 2019-2020. Tình trạng tắc nghẽn cảng đã được cải thiện nhiều tại các cảng trên thế giới, tình trạng khan hiếm container rỗng đã được giải quyết, các khách hàng có thể lựa chọn nhiều hãng vận chuyển phù hợp.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Để giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp, bà Võ Thị Phương Lan cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng sang CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển. Đồng thời swap container giữa hàng xuất - nhập.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Các nhà xuất nhập khẩu nên thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách swap container hàng xuất nhập nhằm giảm thiểu chi phí vận tải khi mà giá dầu liên tục biến động tăng do ảnh hưởng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.

"Việc sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí, và dùng container nhập để vận chuyển hàng đến kho ngoại quan giúp giảm 30% chi phí vận chuyển", bà Võ Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan, vận chuyển nội địa. Theo tính toán, nếu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng tích hợp các dịch vụ sẽ tiết kiệm chi phí logistics so với việc sử dụng dịch vụ đơn lẻ.

Về chi phí vận chuyển nội địa, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, hiện tổng chiều dài các bến cảng container khu vực Cái Mép khoảng 5.470 m, được chia thành 8 cảng. Các bến cảng được phân bổ rải rác và hầu hết đều hạn chế về chiều dài cầu tàu (trung bình 600m bến/cảng) trong khi kích cỡ tàu cập Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m do vậy tại mỗi thời điểm, mỗi cảng chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ.

Do đó, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải (cơ chế “cảng mở”), nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường thay đổi phương thức vận tải nội địa từ đường bộ sang đường thủy nội địa. Để làm được điều này, cần đầu tư xây dựng các bến sà lan tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương.

Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị đang tăng cường kết nối, mở tuyến vận tải thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP HCM) qua kênh Quan Chánh Bố.

Nhằm giảm thiểu các khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần nắm vững các quy định, thủ tục hải quan để chủ động trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, các giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, cũng như tận dụng mạng lưới kết nối đồng bộ của các công ty vận tải lớn nước ngoài để mở ra các kênh vận tải mới, hiệu quả cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang khu vực châu Âu – châu Mỹ.

Ngoài ra, để phát triển hạ tầng dịch vụ logistics bền vững phục vụ xuất khẩu sang khu vực châu Âu - châu Mỹ, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến kết nối hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định 1254/QĐ - BGTVT phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Với đề án này, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu, tăng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.