Chiến sự Nga - Ukraine khiến cạnh tranh gỗ nguyên liệu khốc liệt hơn

Chiến sự Nga - Ukraine khiến cạnh tranh gỗ nguyên liệu khốc liệt hơn

Gỗ THẾ GIỚI
19:51 - 09/03/2022
Tuy Nga không phải thị trường xuất nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam, nhưng căng thẳng Nga – Ukraine dự báo sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải cạnh tranh khốc liệt về nguồn gỗ nguyên liệu.

Xung đột quân sự Nga – Ukraine đang bước sang tuần thứ ba kể từ ngày 24/2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc xung đột này đang tác động tới các nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nguồn tài nguyên mà Nga đang cung ứng cho thế giới.

Nhận định ngành gỗ Việt Nam còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tại Tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam” ngày 9/3, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ Việt Nam có độ mở cực lớn, kể cả đầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu và đầu thị trường xuất khẩu.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 5 - 6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Mỹ và các nước EU, phục vụ chế biến phục vụ xuất khẩu.

Trong khi đó, theo ông Lập, Nga là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ cho thị trường thế giới. EU và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nguồn cung này.

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt đáp trả Moscow. Tính đến ngày 7/3 đã có 290 tổ chức và công ty tuyên bố rút khỏi các hoạt động tại Nga nhằm phản đối cuộc xung đột. Trong số này có IKEA là một trong những nhà cung cấp các mặt hàng gỗ lớn nhất toàn cầu.

Ngày 3/3, IKEA đã thông báo tạm dừng toàn bộ hoạt động tại Nga và Belarus. Các tổ chức môi trường cũng đang gia tăng sức ép đối với nguồn cung gỗ từ Nga. Cũng trong ngày 3/3, 120 tổ chức môi trường và nhân quyền và nhà hoạt động xã hội của Ukraine, Belarus, EU, Anh và Mỹ đã kêu gọi chính phủ các quốc gia cấm nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Nga và Belarus.

Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng kêu gọi Tổ chức FSC và PEFC dừng toàn bộ các chứng chỉ quản lý rừng và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm bền vững tại các quốc gia này.

Đáp lại lời kêu gọi này, ngày 4/3, tổ chức PEFC đã đưa ra tuyên bố coi nguồn gỗ nguyên liệu từ Nga và Belarus là gỗ xung đột và từ đó không đáp ứng được với tiêu chí của PEFC về sản phẩm trong tương lai, có thể tổ chức FSC sẽ có những động thái tương tự.

Trước những biến động địa chính trị kéo theo biến động kinh tế - thị trường, báo cáo “Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai” do 3 tổ chức Forest Trends, VIFOREST và FPA Bình Định phối hợp thực hiện đã đưa ra 2 dự báo kịch bản nguồn cung – cầu gỗ tương lai.

Kịch bản tồi tệ nhất được dự báo khi các hoạt động thanh toán quốc tế với Nga không thể thực hiện được, luồng cung gỗ nguyên liệu xuất khẩu của Nga bị đứt gẫy do các giao dịch thanh toán quốc tế đã bị chặn.

Nếu kịch bản này xảy ra, nguồn cung gỗ từ Nga với lượng cung mỗi năm lên tới gần 40 triệu tấn gỗ nguyên liệu quy tròn sẽ bị mất đi. TS. Tô Xuân Phúc, đại diện nhóm thực hiện báo cáo cho rằng, tác động đối với bức tranh cung – cầu gỗ thế giới có thể thấy ở Trung Quốc, Phần Lan và các nước khối EU sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi đây là các thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu lớn nhất từ Nga.

Nguồn: Báo cáo “Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai” của Tổ chức Forest Trends.

Nguồn: Báo cáo “Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai” của Tổ chức Forest Trends.

Trung Quốc có thể vẫn duy trì được một phần nguồn cung từ Nga, bởi 2 quốc gia có thể sử dụng phương thức thanh toán riêng không nằm trong hệ thống SWIFT, như hệ thống Union Pay của Trung Quốc hoặc thiết lập một hệ thống thanh toán mới.

Trung Quốc, Phần Lan và các nước EU sẽ tìm nguồn cung thay thế. Nguồn cung thay thế đòi hỏi cần có các loại gỗ tương đồng với các loại gỗ từ Nga. Nguồn cung từ các nước Châu Âu và từ Mỹ có thể đáp ứng một phần. Nếu điều này xảy ra, các quốc gia cung gỗ này cần gia tăng lượng khai thác. Tuy nhiên, để bù lại lượng hụt gần 40 triệu tấn mỗi năm là không khả thi.

Ở kịch bản sáng sủa hơn, báo cáo đưa ra dự báo các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga vẫn cho phép duy trì luồng cung này. Hạn chế về các giao dịch xuyên quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng đòi hỏi các nhà xuất khẩu gỗ từ Nga và các nhà nhập khẩu gỗ từ các quốc gia sử dụng nguồn gỗ này cần tìm các phương thức thanh toán mới. Hệ thống các ngân hàng nhỏ chưa nằm trong danh sách hạn chế giao dịch SWIFT có thể sẽ được lựa chọn.

Tuy nhiên để các kênh thanh toán này có thể đưa vào vận hành cần mất thời gian. Bên cạnh đó, sử dụng hệ thống các ngân hàng nhỏ đồng nghĩa với việc các rủi ro trong các hoạt động thanh toán giữa các bên mua – bán.

Theo ông Phúc, kịch bản này nếu xảy ra cũng đối mặt với các khó khăn khác, trong đó đặc biệt là khó khăn trong khâu vận chuyển. Hiện các hãng vận tải biển lớn như Maersk, Evergreen Line và Hapag-Lloyd đã ngừng hoạt động tại Nga nhằm phản đối cuộc chiến Nga - Ukraine. Điều này có nghĩa khâu vận chuyển gỗ nguyên liệu từ Nga sẽ gặp phải khó khăn.

Nhận định nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam nhỏ, không có tác động trực tiếp đáng kể tới nguồn cung gỗ cho Việt Nam, tuy nhiên, TS. Phúc cho rằng, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga gia tăng, cả đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Nga thông qua Trung Quốc là nguyên nhân hình thành các rủi ro mới về mặt môi trường và xã hội. Đây là rủi ro không chỉ riêng cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam mà còn có thể đem lại rủi ro cho hình ảnh của cả ngành gỗ Việt.

Nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đặc biệt từ Trung Quốc về việc tiếp cận với nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, trước những biến đổi bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, ngành gỗ Việt cần luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó đúng thời điểm.

Đọc tiếp