Chiến trường miền Đông 'nóng lên' khi Mỹ gửi thêm tên lửa cho Ukraine

chiến sự Nga – Ukraine
11:28 - 24/06/2022
Mỹ sẽ gửi thêm 4 Hệ thống Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine. Ảnh: AP
Mỹ sẽ gửi thêm 4 Hệ thống Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/6, Nhà Trắng thông báo gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 450 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 4 hệ thống Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), nhằm giúp Kiev đầy lùi bước của lực lượng Nga trên chiến trường miền Đông.

AP đưa tin, gói vũ khí mới nhất được Lầu Năm Góc công bố bao gồm 4 Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) - tăng gấp đôi số lượng hiện có của Ukraine. Trung tá Anton Semelroth, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết cả 4 hệ thống đều đã được bố trí sẵn ở châu Âu và đã bắt đầu việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống này.

Ngoài ra, khoản viện trợ trên cũng bao gồm 18 phương tiện chiến thuật được sử dụng để kéo lựu pháo, cho phép các loại vũ khí này có thể được di chuyển khắp chiến trường. Bên cạnh đó Mỹ cũng sẽ gửi tới Ukraine 18 tàu tuần tra ven biển và ven sông, 2.000 khẩu súng máy, 1.200 súng phóng lựu, đạn dược và một số thiết bị, phụ tùng thay thế.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết, các loại vũ khí, thiết bị có thể được thay đổi vào phút chót. Khoản viện trợ mới được đưa ra chỉ một tuần sau khi Mỹ tuyên bố gửi 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục mở rộng kiểm soát ở khu vực phía đông Donbass.

Tính từ thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức, tổng viện trợ của Mỹ cho quân đội Ukraine đạt 6,8 tỷ USD. Ảnh: The Hill

Tính từ thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức, tổng viện trợ của Mỹ cho quân đội Ukraine đạt 6,8 tỷ USD. Ảnh: The Hill

Khoản viện trợ này là một phần của gói hỗ trợ kinh tế và an ninh trị giá 40 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Đây cũng là gói vũ khí và thiết bị quân sự thứ 13 được Nhà Trắng cam kết gửi tới Ukraine.

Theo ông John Kirby, tính cả khoản viện trợ mới nhất trị giá 450 triệu USD, tổng viện trợ của Mỹ cho quân đội Ukraine (từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cho đến nay) lên tới 6,1 tỷ USD. Nếu tính từ thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức, con số này đạt 6,8 tỷ USD.

Phía Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ và phương Tây viện trợ các hệ thống tên lửa chính xác, tiên tiến hơn để có thể ngăn bước tiến của Nga. Các lô vũ khí trước mà Mỹ gửi tới Ukraine bao gồm hệ thống pháo HIMARS, hệ thống phòng thủ bờ sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng Javelin, lựu pháo M777, trực thăng Mi-17 và nhiều khí tài khác.

Phải mất khoảng 3 tuần để huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng HIMARS, trước khi các hệ thống này được chuyển sang chiến đấu. Ảnh: AFP

Phải mất khoảng 3 tuần để huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng HIMARS, trước khi các hệ thống này được chuyển sang chiến đấu. Ảnh: AFP

Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Ukraine cùng ngày xác nhận đã nhận được 4 hệ thống HIMARS đầu tiên mà Mỹ gửi trong gói viện trợ trước. Đây là hệ thống vũ khí mà Ukraine hy vọng có thể giúp thay đổi cục diện chiến sự với Nga. Với tầm bắn lên tới khoảng 80km, hỏa lực của HIMARS có thể hỗ trợ lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga với độ chính xác cao hơn trong các trận chiến.

Tuy nhiên, phải mất khoảng 3 tuần để huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng HIMARS, trước khi các hệ thống này được chuyển sang chiến đấu.

Trong khi đó, theo các quan chức quân đội Anh và Ukraine, lực lượng Nga hôm 23/6 đã chiếm thêm 2 ngôi làng ở chiến trường miền đông Ukraine. Các bên đang giao tranh quyết liệt để giành kiểm soát một đường cao tốc quan trọng trong chiến dịch Donbass. Nếu chiếm được tuyến đường này, Nga sẽ chặt đứt đường tiếp tế và nới rộng vòng bao vây các lực lượng Kiev ở tiền tuyến.

Điện Kremlin chưa có bình luận về gói viện trợ mới mà Mỹ gửi Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần cảnh báo Mỹ "đang đổ thêm dầu vào lửa" khi chuyển thêm vũ khí cho Kiev, có thể kéo theo nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai nước. Trong gói viện trợ có 4 hệ thống HIMARS đợt trước, Moscow tuyên bố không tin cam kết Ukraine sẽ không tấn công vào lãnh thổ Nga nếu có trong tay hệ thống tên lửa phóng nhiều lần.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố: "Chúng tôi nhận thấy đây là động thái vô cùng tiêu cực. Thực tế là Mỹ đang dẫn đầu hàng loạt quốc gia bơm vũ khí cho Ukraine. Chúng tôi từng nhiều lần cảnh báo hành động này là kế hoạch tiến hành chiến tranh đến người Ukraine cuối cùng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ và rất nguy hiểm".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.