Chính phủ đề xuất 4 cơ chế đặc thù chưa từng có để phát triển Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột Đắk Lắk
19:40 - 20/10/2022
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP Buôn Ma Thuột.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP Buôn Ma Thuột.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 20/10, Chính phủ đưa ra 4 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột, trong đó ưu đãi cho các dự án đầu tư trên địa bàn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 10% trong thời gian 15 năm và nhiều cơ chế tạo thuận lợi khác.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Với đánh giá thành phố này có vị trí chiến lược vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày đề xuất 4 cơ chế chính sách đặc thù để Buôn Ma Thuột phát triển đột phá xứng với tiềm năng của mình.

Thứ nhất là đề xuất về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước.Theo Tờ trình, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để TP Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022, dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của TP Buôn Ma Thuột. HĐND tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố này được hưởng và sử dụng toàn bộ phần được bổ sung tăng thêm.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: MPI.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh: MPI.

Thứ hai là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, các dự án đầu tư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Chính sách ưu đãi thuế này áp dụng với các dự án như sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa.

Riêng các dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng thêm các ưu đãi đầu tư, gồm: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Thứ ba là quản lý quy hoạch.Tờ trình nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo kết quả thực hiện.

Thứ tư là ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

TP Buôn Ma Thuột là trung tâm tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.

TP Buôn Ma Thuột là trung tâm tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.

Điều chỉnh nội hàm về miễn/giảm thuế phù hợp với xu hướng quốc tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét lại tính hợp lý của nội dung Nghị quyết trên 2 vấn đề.

Về quy mô, các chính sách còn ít, khó tạo sức lan tỏa vùng miền, trong khi đó mục tiêu ban hành Nghị quyết này theo Tờ trình của Chính phủ, không chỉ nhằm phát triển một TP Buôn Ma Thuột mà là tạo cơ sở để phát triển cả khu vực Tây Nguyên.

Về tính chất, các chính sách chưa thể hiện đậm nét yếu tố đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của TP Buôn Ma Thuột nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung.

“Trong đó có đặc thù về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, con người với 40 dân tộc bản sắc đa dạng; với vị trí địa lý là trung tâm vùng Tây Nguyên, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia. Nếu đối chiếu giữa mục tiêu đề ra trong Kết luận 67 với nội dung Dự thảo Nghị quyết thì khó tạo đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra chỉ ra, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế, nhất là trong xác định cụ thể về nội hàm.

"Nếu quy định chung chung như Dự thảo Nghị quyết thì phạm vi áp dụng ưu đãi thuế là rất rộng, một mặt sẽ là chưa công bằng, mặt khác có thể dẫn đến lợi dụng pháp luật, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung quy định để tạo căn cứ chặt chẽ cho thực hiện, tránh lợi dụng hoặc áp dụng tùy tiện”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Cụ thể theo ông Nguyễn Phú Cường, một số ý kiến cho rằng, tác động của ưu đãi này là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên, tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của doanh nghiệp.

Một số ý kiến khác thì nhận định, quy định trên chưa hợp lý, vì phần lớn các dự án đầu tư trên toàn địa bàn TP Buôn Ma Thuột sẽ được miễn, giảm với phạm vi rộng, thời gian áp dụng dài, dẫn đến tâm lý thiếu công bằng với các địa phương trong cả nước. Điều này cũng tác động đến số thu ngân sách, tạo dư địa cho chuyển giá, trốn thuế nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi tại nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu phải đảm bảo tính trung lập của thuế.

Hiện nay đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Việt Nam, đã đồng ý về áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu là 15% và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.

Nếu Việt Nam quy định mức thuế thấp hơn 15% thì doanh nghiệp của các nước có trụ sở chính sẽ được quyền thu thêm số chênh lệch này và việc quy định mức thuế thấp hơn 15% sẽ không còn là động lực khuyến khích doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam sẽ mất đi khoản thuế chênh lệch đó.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế.

Lần đầu tiên có chính sách đặc thù cho đơn vị hành chính cấp huyện

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67- KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với TP Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Trong khi đó, Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như TP Hải Phòng, TP Cần Thơ, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đối với tỉnh Đắk Lắk nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Tin liên quan

Đọc tiếp