'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, cần tính toán kỹ hơn chính sách tài khoá'

TÀI CHÍNH Việt nAM
11:09 - 26/11/2022
'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, cần tính toán kỹ hơn chính sách tài khoá'
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại bên trong nền kinh tế đối với chính sách tài chính ngân sách, tài khóa để giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội ít ỏi.

Ngày 25/11, Bộ Tài chính với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề "Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới".

Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, Chiến lược đã đưa ra đột phá về hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhận định, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo.

Đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số các nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ lụy đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề.

Xung đột địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga - Ucraina đã và đang đã tạo ra cú sốc địa - chính trị sâu rộng, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực trầm trọng; lạm phát tăng cao, một số nước đã xuất hiện tình trạng “siêu lạm phát”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nguy cơ suy thoái là hiện hữu trong bối cảnh lãi suất các nước tăng cao, đồng đôla Mỹ mạnh lên, thâm hụt lớn hơn, biến động vĩ mô mạnh hơn.

'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, cần tính toán kỹ hơn chính sách tài khoá' ảnh 1

Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch và có sự phát triển "ngược dòng" với các nước khi duy trì đà tăng trưởng tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, nhưng là một nền kinh tế có độ mở lớn nên động lực tăng trưởng cũng chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, già hóa dân số…và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng…đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên ổn định tài chính trong thời gian tới

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, cho rằng Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.

Ông Francois Painchaud kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, cần tính toán kỹ hơn chính sách tài khoá' ảnh 2

Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm.

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam và Lào.

Trong khi đó, theo ông Werner Gruber, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam, phân cấp tài khóa là cần thiết để nâng cao hiệu suất hiệu quả và khả năng chống chịu của chính sách tài khóa; hiệu suất chi tiêu công, đầu tư công; huy động tốt hơn từ khu vực tư nhân.

Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình để phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đánh giá các rủi ro về chính sách tài khóa.

Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, tính toán chính sách tài khoá

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần nhận diện thách thức, rủi ro bên ngoài kỹ hơn, trong đó có rủi ro về tài chính và tài khoá đang gia tăng rất nhanh. Bên cạnh đó, cần phải xem xét nghiêm túc hơn về rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực và gần đây Trung Quốc đã bổ sung vào an ninh chuỗi cung ứng.

"Chúng ta phải nhận diện chính xác hơn những rủi ro bên ngoài vì trong năm tới chúng ta sẽ khó khăn hơn và vì thế tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát cao hơn", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần đánh giá kỹ những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại bên trong đối với chính sách tài chính ngân sách, tài khóa để giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội mới. Đồng thời tính toán dư địa chính sách tài khóa năm tới có còn hay không.

'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa, cần tính toán kỹ hơn chính sách tài khoá' ảnh 3

Chính sách tiền tệ hiện dư địa gần như cạn kiệt, lãi suất đang ở mức rất cao, lạm phát năm tới vẫn tăng…Vậy, dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới sẽ như thế nào? Tôi cho rằng đâu đó vẫn còn, nhưng chúng ta phải tính toán ở mức độ kỹ hơn và tốt hơn.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần đẩy nhanh chính sách phục hồi, giải ngân đầu tư công. Đa dạng hóa nguồn thu để có tài chính bền vững. Huy động và phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia phù hợp hơn cho các lĩnh vực.

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Giá vàng miếng SJC giảm nhanh hàng triệu đồng xuống dưới mốc 84 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hôm nay cũng quay đầu xuống dưới 77 triệu đồng/lượng.
Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Vàng SJC, vàng nhẫn cao chót vót

Sáng 9/4, giá vàng tiếp tục tăng phi mã. Hiện các doanh nghiệp đang niêm yết vàng SJC ở mốc 82,42 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng nhẫn cũng neo tại đỉnh lịch sử trên 75 triệu đồng/lượng.