Chủ nhiệm UBKT Quốc hội: Khó có một khung giá đất thỏa mãn mọi đối tượng tác động

bđs QUỐC HỘI
15:32 - 15/09/2022
Việc xác định giá đất theo thị trường là vấn đề không dễ.
Việc xác định giá đất theo thị trường là vấn đề không dễ.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc bỏ khung giá đất chung sẽ phát sinh những câu chuyện khác, như việc thỏa mãn lợi ích cho đối tượng này nhưng lại ảnh hưởng đến chủ thể khác.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 dự kiến diễn ra vào ngày 18/9 tới, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về nhiều vấn đề nóng hiện nay như bối cảnh quốc tế, rủi ro lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ người lao động…Đặc biệt là chính sách đất đai – vấn đề đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong xã hội.

Theo đó, diễn đàn sẽ có một phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Liên quan đến Luật đất đai sửa đổi, tại cuộc họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra sáng nay (15/9), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh thông tin, dự thảo luật đất đai đang được Chính phủ gửi ra Quốc hội. Ngày mai (16/9), thường trực Uỷ ban Kinh tế họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ về dự thảo luật rất quan trọng này.

Về việc bỏ khung giá đất theo Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xác định giá đất theo thị trường thế nào là vấn đề rất khó, bởi giá đất tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội. Khi bảng giá đất theo thị trường được ban hành có thể giải quyết được vấn đề của đối tượng này, nhưng lại ảnh hưởng tới chủ thể khác.

Ví dụ như việc nâng bảng giá đất giúp người dân được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cao hơn; khiếu nại, tố cáo đất đai sẽ giảm. Nhưng ngược lại, chi phí doanh nghiệp sẽ phải bồi thường nhiều hơn, dẫn đến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ông Thanh cũng ví dụ về câu chuyện phát sinh khác là giá đất ở hai tỉnh cạnh nhau sẽ có chênh lệch nơi 1 tỷ đồng, nơi 2 tỷ đồng dù nằm chung một tuyến đường. Trước đây, khi Chính phủ có khung giá đất chung thì 2 địa phương liền kề thường đưa ra bảng giá đất sát nhau.

Còn theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động trước khi ban hành. Như vậy có thể dẫn tới thực trạng, một con đường đi qua 2 tỉnh nhưng người dân ở địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ được hưởng giá đất cao hơn.

Trước thực trạng đó, ông Thanh cho biết Quốc hội sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa, chứ không thể đưa ra một giá đất thỏa mãn được mọi lợi ích của các đối tượng chịu tác động.

Ông cho biết, hiện nay việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau sẽ tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi.

Sẽ chấm dứt thực trạng 2 giá đất?

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đang tồn tại thực trạng 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. Sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện, tham nhũng…

Trước thực trạng đó, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. Việc định giá đảm bảo nguyên tắc theo mục đích và thời hạn sử dụng, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Bảng giá quy định giá các loại đất theo vị trí. Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thị trường thì xây dựng bảng giá theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn.

Ngoài việc bỏ khung giá đất, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung khác như:

Thuê đất trả tiền hằng năm: Dự thảo quy định 2 trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê gồm sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đối với các trường hợp còn lại thì Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Thu hồi đất: Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Cụ thể các trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án mà được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.

Phát triển quỹ đất: Dự thảo luật bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả để tạo quỹ đất để Nhà nước chủ động điều tiết thị trường thông qua cung-cầu; đáp ứng cho nhu cầu phát triển, đấu giá quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai.

Tin liên quan

Đọc tiếp