Chủ tịch HĐQT Nam Long: Cần những đột phá về chính sách cho nhà ở xã hội

CHÍNH SÁCH BẤT ĐỘNG SẢN
18:58 - 27/11/2021
Chủ tịch HĐQT Nam Long: Cần những đột phá về chính sách cho nhà ở xã hội
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, chúng ta thiếu một 'nhạc trưởng' để điều phối, quyết định then chốt để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ một cách nhanh nhất, ông Nguyễn Xuân Quang nói. 

Chủ tịch HĐQT tập đoàn Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng cần xây dựng chính sách riêng đặc thù cho lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết bắt đầu từ việc định nghĩa nhà ở xã hội, giá rẻ căn cứ trên diện tích sàn căn hộ, giá bán căn hộ để có chính sách ưu đãi phù hợp.

Phát biểu cuộc Đối thoại doanh nghiệp do Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26/11/2021, ông Quang chia sẻ Nam Long đã từng phát triển trên 2.000 sản phẩm nhà ở xã hội nhưng hiện đang dừng lại do có những vướng mắc chính sách.

Ông cho rằng lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cần có những đột phá về chính sách và thủ tục hành chính liên quan.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long

Ông Quang, tổng giá trị tài sản khoảng 1.018 tỷ đồng, gần 30 năm trước đã khởi nghiệp Nam Long từ một doanh nghiệp siêu nhỏ với các dự án nhà ở xã hội.

Tập đoàn này hiện là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam, sở hữu 20 công ty con với hơn 600 nhân viên, vốn điều lệ của Nam Long hiện tăng lên 3.453 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 13.009 tỷ đồng tính đến tháng 9/2021.

"Hiện nay, chúng ta thiếu một 'nhạc trưởng' để điều phối, quyết định then chốt để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ một cách nhanh nhất. Nghị định 100, Nghị định 99 đều rất tốt nhưng khi triển khai, chúng ta chưa hiện thực hóa được các nghị định này", ông Nguyễn Xuân Quang nói.

Tham dự hội nghị, các doanh nghiệp cũng tán thành đề xuất cần thành lập một Ban chỉ đạo liên Bộ ở trong chương trình phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, trong đó, Bộ Xây dựng làm nòng cốt cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính.

Ảnh tác giả

"Hiện nay, chúng ta thiếu một 'nhạc trưởng' để điều phối, quyết định then chốt để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ một cách nhanh nhất. Nghị định 100, Nghị định 99 đều rất tốt nhưng khi triển khai, chúng ta chưa hiện thực hóa được các nghị định này"

Chủ tịch HĐQT tập đoàn Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang

Ông Nguyễn Xuân Quang kiến nghị cần xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng mật độ dân số từ 1,2-1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành.

Bên cạnh đó, nên triển khai các gói tài chính ưu đãi cho các đối tượng mua nhà ở xã hội theo kinh nghiệm của Singapore và Hà Lan. Bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính được phối hợp với người mua nhà và doanh nghiệp để tạo ra gói hỗ trợ người mua nhà.

Liên quan đến vấn đề rút ngắn các thủ tục hành chính trong xây dựng. Các doanh nghiệp cho biết, hiện nay trung bình, doanh nghiệp cần 2-5 năm để hoàn tất các thủ tục và hồ sơ pháp lý, tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

"Với lãi suất 10-12%/năm kèm theo lãi suất kép, tất cả chi phí sẽ tính vào giá thành nhà ở. Chi phí do đó tăng lên và sẽ không còn là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ dành cho người lao động nữa", ông Quang nói.

Đại diện tập đoàn Nam Long cũng đề xuất thay việc "miễn tiền sử dụng đất" bằng việc "không thực hiện tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội".

"Vì khi dùng từ “miễn tiền sử dụng đất” thì chúng ta phải làm cả một quy trình để định giá đất, sau đó mới xin miễn giảm của tất cả các Sở, Ban, ngành, mất rất nhiều thời gian, có thể lên tới 12 tháng", ông Quang nói.

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệu thì muốn có chính sách tách bạch rạch ròi về quy định dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội.

"Hiện nay có những dự án chung cư cao cấp những vẫn phải cắt ra 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội, vậy thì ngay trong toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và thiết kế thi công của công trình sẽ xảy ra bất cập, chỗ thì là chung cư cao cấp chỗ lại là dự án nhà ở giá rẻ", ông Hiệu nói.

Ảnh tác giả

Các dự án sẽ nộp phần kinh phí xây dựng 20% nhà ở xã hội bằng tiền cho quỹ nhà ở xã hội. Và quỹ nhà ở xã hội này sẽ do Bộ Xây dựng quản lý và xây dựng những dự án xã hội tập trung để tạo ra sự hài hòa giữa các dự án.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam

Phản hồi ý kiến các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: "Đối với những kiến nghị liên quan đến nhà ở, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật nhà ở sửa đổi và những văn bản hướng dẫn. Ý kiến liên quan đến việc dành 20% diện tích dự án cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những quy định phù hợp hơn trong thời gian tới".

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2022, Bộ Xây dựng quyết định thanh tra diện rộng đối với các địa phương trong việc dành 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội để có đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng đưa ra vào tháng 10/2021, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp là khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất

Tin liên quan

Đọc tiếp