Chủ tịch QH: Cần xử lý những tồn tại của ngành được nêu trong các phiên chất vấn

QUỐC HỘI Việt nAM
08:37 - 11/08/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội đánh giá cao các nhóm vấn đề được thảo luận và chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý và thực hiện nghiêm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành.

Ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công an và ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Phát hiện, ngăn chặn tội phạm tín dụng trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an cần xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 96/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các nghị quyết khác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, những thách thức an ninh phi truyền thống làm cơ sở xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, chính quy, hiện đại vào năm 2030.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm và không để oan sai. Chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phương án về tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, có phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến và địa bàn trọng điểm.

Đẩy mạnh thi hành Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm tốt công tác rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức tín dụng đen qua mạng xã hội, các ứng dụng và website. Xử lý triệt để các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nhất là vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay cung cấp vốn cho tín dụng đen hoạt động.

Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn nhưng các đơn vị, địa phương khác lại phát hiện và xử lý.

Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để khắc phục hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn và chiếm đoạt tài sản.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia. Sớm hoàn thành ban hành nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nghị định về cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó và phát triển ngành nghề dịch vụ này để vừa phát triển kinh tế và tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, cá cược trái phép.

Đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời. Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục triển khai tích hợp thông tin ứng dụng thẻ căn cước trên các lĩnh vực, góp phần giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, bắt đầu từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi).

Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước.

Có chính sách ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 8 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch, như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch.

Tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; khẩn trương ban hành quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này.

Rà soát, đánh giá việc triển khai Luật Du lịch năm 2017 và pháp luật có liên quan, chú trọng cụ thể hóa các quy định về tăng cường hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch

Có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa để phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, như sửa đổi Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu xây dựng luật về nghệ thuật biểu diễn; xây dựng văn bản quy phạm điều chỉnh lĩnh vực văn hóa; nghiên cứu xây dựng đề án hoặc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nghiên cứu, đề xuất các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa và công nghiệp văn hóa. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường hợp tác giao lưu về văn hóa, xúc tiến quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Đối với việc bảo tồn và phát huy di sản, đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích. Triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tin liên quan

Đọc tiếp