Chủ tịch QH: 'Cơ chế đặc thù cho hết rồi vì sao giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chậm'

QUỐC HỘI Việt nAM
12:01 - 11/05/2022
Chủ tịch QH: 'Cơ chế đặc thù cho hết rồi vì sao giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chậm'
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên khai mạc kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng việc nửa năm 2022 đã gần trôi qua nhưng vẫn chưa có danh mục dự án dùng vốn từ gói phục hồi kinh tế, trong khi các dự án giải ngân rất chậm.

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 11 để cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra đã tích cực, trách nhiệm và khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các nhóm nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 gồm:

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cập nhật bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, trọng tâm xét xét các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đạt được có thay đổi lớn so với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ năm 2021 là năm đầu tiên nước ta triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Năm 2022, ngoài thực hiện nghị quyết của kỳ họp Quốc hội thường kỳ còn có việc triển khai thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022) và gói hỗ trợ 347.000 tỉ đồng của chương trình này chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023.

"Năm 2023 không giải ngân được gói 347.000 tỷ đồng thì chấm dứt"

Liên quan tới nội dung giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ “lo ngại” với tiến độ giải ngân của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói 347.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua. Theo Chủ tịch Quốc hội, gói ngân sách của Chương trình phục hồi này chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm 2022 - 2023, nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai gói này vẫn “rất chậm”.

“Báo cáo dự kiến điều hòa vốn chương trình này với đầu tư công, nhưng vừa rồi rà soát lại năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán 18.000 tỷ đồng thì nhằm nhò cái gì. Tức là giữa cái chúng ta nói và chúng ta làm không đi đôi với nhau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Từ đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần giải trình rất kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hoà vốn. "Lúc trình ai cũng nói là giải ngân được, thế nhưng cơ chế đặc thù cũng cho hết rồi thì không hiểu lý do vì sao chậm, cần phải báo cáo rõ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Không biết gói này các đồng chí giải ngân như thế nào. Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đến 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện đưa vào gói sau đó chuyển nguồn. Nó không đúng tính chất gói kích thích kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường chia sẻ về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn các hạn chế. Trong đó nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai.

Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ phát hành ngày 10/5/2022 cho biết, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể, trong đó có 11 nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn để sớm ban hành và triển khai thực hiện ngay từ Quý I năm 2022.

Báo cáo nêu rõ, hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai hai nghị quyết nói trên và khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao, bảo đảm yêu cầu theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung trên trong tháng 5/2022.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 16/16 địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình qua địa bàn mình; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình.

Tin liên quan

Đọc tiếp