Chủ tịch Quốc hội: Cần nêu rõ nơi nào làm lãng phí, nơi nào tiết kiệm

QUỐC HỘI Việt nAM
08:25 - 26/04/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị không e ngại, né tránh, nêu rõ địa chỉ những dự án đầu tư công làm không tốt.

Ngày 25/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH.

Điều này "góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Nhiều dự án chưa phân đủ thủ tục, không đủ điều kiện phân bổ vốn

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực như việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công.

Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp; tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, vi phạm về môi trường vẫn còn xảy ra...

Bộ trưởng khẳng định: Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm.

Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra. “Lũy kế giải ngân năm 2021 là hơn 383 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận việc phân bổ kế hoạch của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn chậm. Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. Nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên.

Việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt. “Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm”, báo cáo thẩm tra nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục, diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo, có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết với tổng số vốn hơn 9.000 tỷ đồng...

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao.

“Có trường hợp địa phương được phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các dự án chưa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phải đề nghị điều chỉnh, không bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội”, báo cáo thẩm tra nêu.

Cần nói thẳng dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong những kết quả nổi bật trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này là tập trung triệt để tiết kiệm những khoản chi, tăng cường huy động tất cả các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Cho rằng, cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, việc chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân của từng hạn chế để có giải pháp phù hợp, triệt để, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “Việc tiết kiệm 76.000 tỷ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung”.

Đề nghị góp ý cụ thể vào những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 liên quan đến từng lĩnh vực liên quan như: cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập…. “Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nêu đích danh địa phương, cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu tình trạng phân tán dàn trải trong đầu tư công, tình trạng có dự án hoàn thành rồi mà không bố trí vốn để trả, khoảng 7-8.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội nói: Sắp tới đây, hàng loạt dự án đầu tư quan trọng quốc gia, các đồng chí đưa các dự án vào đây luôn, chỉ có 2 dự án lớn, nói thẳng ra. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, tiến độ chậm, lãng phí nguồn nhân lực...như thế nào? Nói thẳng chứ nêu “một số dự án” là một số nào. Một số địa phương, một số ngành, một số dự án... Sao “một số” nhiều thế?

Phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Người đứng đầu Quốc hội đặt vấn đề: “Nhiều dự án hết năm này sang năm khác, năm sau không tiến triển gì so với năm trước, có phải vì chúng ta (Quốc hội) không? Chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ. Khen biểu dương thật lực, anh nào chưa tốt nhắc nhở, anh nào kém phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Không nói chung chung được”.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng. Khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ở mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách.

Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước để tiết kiệm chi. Tổ chức triển khai tốt Luật Quản lý tài sản công, quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, ngân sách Nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp gắn liền với việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế.

Để hoàn thiện báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cụ thể hơn về kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế, rà soát, nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định 2276 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần cụ thể thêm các bộ, ngành, địa phương, các điển hình thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xác định rõ ràng trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Đọc tiếp