Chủ tịch Quốc hội: Sửa luật bảo hiểm để thúc đẩy thị trường phát triển

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:21 - 25/10/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
0:00 / 0:00
0:00
Bàn về sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu quan điểm không để luật chậm đi vào cuộc sống: "Không có lý do gì để kéo dài ban hành văn bản... ngay từ thời điểm này phải ngồi dự thảo các văn bản hướng dẫn"

Sửa luật để tháo gỡ những điểm nghẽn

Nói về tầm quan trọng của việc phải sửa đổi dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm, tại phiên thảo luận tổ Quốc hội sáng 25/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: Sửa đổi luật lần này sau 20 năm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

“Dù thời gian qua tăng trưởng cao nhưng dư địa bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ... còn rất lớn. Ngoài ra, tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Bảo hiểm là một loại hình dịch vụ ngày càng có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương của chúng ta là tốc độ tăng dịch vụ nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Trong đó chú trọng vào các loại hình dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics", ông Huệ nói.

Bảo đảm luật gốc là luật doanh nghiệp

Góp ý thêm về dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bảo đảm phát triển cân đối hài hòa, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...

Ví von “Cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn”, đi sâu vào phân tích, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông, lâm, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm. Bởi lẽ, điều này giúp người dân an tâm hơn trong cuộc sống.

“Tới đây, chúng ta vừa phòng, chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế. Nếu có dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống "đẩy" thị trường bảo hiểm lên cũng là một giải pháp thiết thực”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phiên họp tổ diễn ra vào 25/10

Phiên họp tổ diễn ra vào 25/10

Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ).

“Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cả Hiệp hội Kinh doanh bảo hiểm bảo vệ quyền lợi. Còn người tiêu dùng trong tình huống đặc thù này thì Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp chưa nắm rõ được cụ thể. Do đó cần phải hoàn hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cần xác lập mối quan hệ hợp đồng bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử… Đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ kết quả của đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để chúng ta làm sao có những quy định nâng chuẩn lên, không chấp nhận những doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn: Từ vốn cho đến các vấn đề quản trị… “Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nên bảo đảm luật gốc là luật doanh nghiệp”.

Về vấn đề hiệu lực của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tháng 5/2022 dự kiến phê chuẩn dự án luật mà đến tháng 7/2023 mới có hiệu lực là muộn: “Cá nhân tôi ủng hộ việc nếu sang năm ban hành thì 1/1/2023 luật này sẽ có hiệu lực thực thi. Ngay ở thời điểm này phải ngồi dự thảo các văn bản hướng dẫn."

"Không có lý do gì để kéo dài ban hành văn bản," ông Huệ nói: "Nhất là trong thời gian tới đây, chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế, nếu có một dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống giúp thúc đẩy thị trường bảo hiểm thì đó cũng là giải pháp thiết thực cho phục hồi kinh tế”. Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp