Chủ tịch Sun Group: Nhân lực ngành du lịch có trình độ đang rất thiếu hụt

Sun Group LAO ĐỘNG
18:02 - 20/08/2022
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh: VGP
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn thì hàng năm ngành này cần đến 40.000 lao động có trình độ. Nhưng thực tế các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 15.000.

Tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%

Đó là thông tin được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 20/8. Ông Trường cũng cho biết, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ đang là khó khăn của Sun Group cũng như nhiều doanh nghiệp. Có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong cũng phải xin nghỉ.

Theo số liệu khảo sát cụ thể của Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam (đơn vị tuyển dụng và tư vấn nhân sự) thì tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%. Con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Cũng theo khảo sát của Manpower, có 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, Việt Nam có dân số “vàng” nhưng chất lượng lao động chưa tương xứng.

Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện dựa trên phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI cho thấy, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

Cần nâng cao vai trò, nhận thức giáo dục nghề nghiệp

Để khai thác hiệu quả chất lượng nguồn dân số trẻ, đại diện VCCI đề nghị Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp (thời gian, nội dung, yêu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất); có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đồng thời ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp.

Còn đại diện Manpower cho rằng các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên. Doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động để thích ứng trong tình hình mới.

Ngoài ra, lao động ngày nay cần nhiều yếu tố "giữ chân" như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng chứ không đơn thuần là vấn đề tiền lương. Doanh nghiệp phải hiểu chính lao động của mình thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ.

Cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên.

Cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên.

Về vấn đề này, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng phải nâng cao vai trò, nhận thức của giáo dục nghề nghiệp. Như ở Singapore, những năm 60 có đến 95% hướng nghiệp là đi học đại học, nhưng đến thời điểm này có đến 65% được phân luồng để học đào tạo nghề hoặc giáo dục hướng nghiệp.

Cần có sự hợp tác đa phương giữa đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có thể gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ ngân sách để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, tái đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Một vấn đề khác mà Chủ tịch Sun Group đề cập là sự mất cân đối trong cung-cầu lao động cho các địa bàn do thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở xã hội. Như Sun Group khi đầu tư, đưa vào vận hành các tổ hợp, công trình ở vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút nhân sự vì hạ tầng phục vụ sinh hoạt cơ bản còn thiếu.

Vì vậy, doanh nghiệp muốn có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc hạ tầng, đào tạo đi trước một bước. Tạo sự “an cư lạc nghiệp” bằng cách có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động hoặc chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, có thể mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tại các địa phương xa, vùng khó khăn.

Để thu hút lao động tốt hơn, ông Trường cũng kiến nghị tăng trần hạch toán chi phí phúc lợi vào chi phí doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp chỉ được hạch toán tối đa tổng chính sách phúc lợi tương đương 4 tháng tiền lương, chưa đủ để có phúc lợi hấp dẫn thu hút nhân lực vào địa bàn, vùng miền khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.