Chứng khoán tháng 9: EVS Research gọi tên hai nhóm ngành tiêu điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
09:50 - 27/08/2022
Chứng khoán tháng 9: EVS Research gọi tên hai nhóm ngành tiêu điểm
0:00 / 0:00
0:00
EVS Research nhận định thị trường sẽ quay trở lại hướng tới vùng 1.300 điểm và tìm điểm cân bằng, trước khi có thể tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 9. Theo đó, bán lẻ và dầu khí là hai nhóm ngành được kỳ vọng dẫn dắt thị trường trong tháng tới.

Thanh khoản thị trường cải thiện ít nhất 20% nhờ T+2

Theo số liệu tổng hợp Fiinpro, đến cuối quý II/2022, lượng tiền các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vẫn ở mức khá cao trên 70.000 tỷ đồng, chỉ giảm 14% so với cuối quý I/2022 và đang cao gấp 3,8 lần nếu so với mức thanh khoản trung bình 19.000 tỷ ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, giá trị margin toàn thị trường ước tính ở mức 154.000 tỷ đồng, đã giảm 24% so với đỉnh quý I/2022. Song song với việc gia tăng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, tỷ lệ margin trên vốn chủ sở hữu chỉ đang ở mức 80% giảm đáng kể so với con số 128% trong quý I/2022

Trong khi đó, giao dịch T+2 dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ cuối tháng 08/2022, cũng được kỳ vọng góp phần cải thiện mức thanh khoản hiện nay của thị trường.

Trên cơ sở đó, báo cáo mới đây Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân VN-Index có thể đạt mức 17.000-19.000 tỷ đồng/phiên, cải thiện ít nhất 20% so với thời điểm hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, VN-Index có thể biến động ở mức 1.225 – 1.398.

Tương tự, trong báo cáo mới nhất, EVS Research cũng nhận định thị trường sẽ quay trở lại hướng tới vùng 1.300 điểm và tìm điểm cân bằng quanh đây trước khi có thể tiếp tục xu hướng phục hồi.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của EVS Research, tổng khối lượng giao dịch trung bình 3 sàn tháng 8 dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ (giảm 35%). Tuy nhiên cũng đã có một mức tăng khá tốt so với tháng trước (tăng 35,1%). Trong đó, tổng khối lượng giao dịch trung bình của VN-Index đạt 15.956 tỷ đồng; HNX-Index đạt 1.794 tỷ đồng. UPCoM-Index đạt 950 tỷ đồng.

Thanh khoản được cải thiện và lan tỏa giữa nhiều nhóm ngành phản ánh sự tâm lý tích cực khi định giá thị trường rơi về vùng thấp trong giai đoạn tháng 5, 6.

Trong tháng 8, nhà đầu tư cá nhân trong nước là đối tượng duy nhất có trạng thái bán ròng 4.732 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước quay đầu mua ròng 2.696 tỷ đồng giá trị mua ròng lớn nhất trong vòng 9 tháng vừa qua, nhóm tổ chức nước ngoài tiếp tục mua ròng 2.072 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia EVS, điều này phần nào phản ảnh tâm lý có phần thận trọng đến từ nhóm cá nhân trong nước khi VN-Index tiến về vùng 1.300 điểm và gặp một ngưỡng cản quanh 1.260 - 1.280 điểm.

EVS Research đánh giá thanh khoản sẽ được duy trì trong vùng 15.000-17.000 tỷ đồng trong tháng 9 do quy định về thời gian giao dịch được giảm về T+2 và nhiều cổ phiếu có triển vọng tốt đang thu hút được dòng tiền.

Hai nhóm ngành tiêu điểm của tháng 9

Theo quan điểm của các chuyên gia EVS, trong tháng 9 tới, bán lẻ và dầu khí là 2 nhóm ngành triển vọng. Cụ thể:

Với nhóm bán lẻ được khuyến nghị dựa trên cơ sở phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. EVS đánh giá 7 tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự phục hồi của ngành bán lẻ, khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3,2 triệu tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Nhờ dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng di chuyển tới các điểm bán lẻ cùng với nhu cầu được cải thiện về mức trước đại dịch sẽ là động lực giúp cho ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tiếp theo của 2022 do mức nền thấp của 2021.

Trong khi đó, theo Fitch Ratings dự báo, thu nhập khả dụng của mỗi hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng lên 6.908 USD trong năm 2022 và tăng dần lên 9.542 USD tới năm 2026 nhờ mức tăng lương cơ bản 6% trong tháng 3/2022. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ dân số trẻ (19-39 tuổi) lớn, chiếm 32,5% tổng dân số.

"Đặc điểm nhân khẩu học này giúp thị trường bán lẻ đồ điện tử, đặc biệt là điện thoại di động tăng trưởng mạnh mẽ.", EVS Research nhận định.

Với nhóm dầu khí, giá dầu cao đang là điểm tựa vững chắc. Căng thẳng giữa Nga-Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt từ phía EU về nguồn năng lượng như than hay dầu khí gây ra sự kiện gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn khu vực EU. Giá khí tại khu vực EU tăng 5 lần so với cùng kỳ, đồng thời kéo theo là giá năng lượng điện tại khu vực này, tuy nhiên, giá khí có thể sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu sưởi ấm tăng vào thời kì mùa Đông năm nay khi thời tiết có thể lạnh hơn do tình trạng hạn hán trên toàn thế giới.

Nguồn cung duy trì ở mức thấp đến từ việc OPEC+ duy trì chính sách tăng sản lượng cho đến hết tháng 12/2022. Dự kiến sản lượng có thể hồi phục về mức trước dịch COVID-19 vào khoảng cuối năm 2022. Sản lượng dầu của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Dù số lượng giàn khoan và sản lượng dầu thô của Mỹ đều đã và đang phục hồi nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2018-2019.

Mặt khác, hiện tại phía Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách "Zero-Covid" góp phần hỗ trợ nguồn cung trong giai đoạn nửa cuối năm và giúp giá dầu duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, trong nước, giá dầu hỗ trợ triển vọng đầu tư các dự án mới trong khu vực, điển hình với Việt Nam là lô B - Ô Môn và một số dự án ở Brunei bắt đầu triển khai thăm dò 2 dự án Merbal Deep-1 và Jagus Subthrust-1 đẩy mạnh nhu cầu thuê giàn khoan và cung ứng thiết bị trong khu vực.

Theo đó, giá dầu cao đang là điểm tựa vững chắc cho cổ phiếu nhóm dầu khí tăng cao, các chuyên gia EVS nhìn nhận.

Trong khi đó, cũng nêu quan điểm về triển vọng đầu tư những tháng cuối năm, tại Báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2022 có tên "Sẵn sàng cho tương lai nhiều biến động", Chứng khoán Rồng Việt cho hay, không bi quan song chưa thể chủ quan với triển vọng phục hồi kinh tế, nhất là trong giai đoạn cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

Bởi vì, lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị vẫn còn, kinh tế Trung Quốc chật vật tăng trưởng bởi chính sách "Zero-Covid", triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang trở nên kém sắc... là những lý do khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định, báo cáo nhấn mạnh.

Với kịch bản chung như vậy, VDSC đã "gọi tên" 3 nhóm ngành có triển vọng tích cực nhất cho nửa cuối năm nay bao gồm bất động sản khu công nghiệp, hàng không và công nghệ thông tin.

Ở chiều ngược lại, VDSC chấm điểm tiêu cực cho ngành vật liệu xây dựng, phân bón và ngành bảo hiểm nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp