Chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á bị đe dọa bởi COVID-19

kinh tế khu vực asean
17:03 - 07/10/2021
Chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á bị đe dọa bởi COVID-19
0:00 / 0:00
0:00
Dịch bệnh bùng phát tại các quốc gia Đông Nam Á đã đẩy các ngành công nghiệp lớn vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, đặc biệt là ngành công nghệ và dệt may tại Việt Nam.

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam kể từ tháng 04/2021 đã buộc các thành phố và trung tâm công nghiệp lớn tại nước này phải áp đặt các biện pháp khoá cửa nghiêm ngặt; đồng thời khiến các nhà sản xuất điện tử, may mặc và giày dép phải tạm ngưng hoặc cắt giảm hoạt động.

Ban đầu, làn sóng lây nhiễm tấn công các khu vực công nghiệp miền Bắc, nơi có các nhà cung cấp cho những tập đoàn lớn như Apple, Samsung và các công ty công nghệ toàn cầu khác. Vào tháng Năm, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu 4 khu công nghiệp buộc phải đóng cửa, trong đó có 3 công xưởng sản xuất của Foxconn Đài Loan.

Ngành dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi những đơn hàng lớn từ các thương hiệu quốc tế. Ảnh: Wall Street Journal.
Ngành dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi những đơn hàng lớn từ các thương hiệu quốc tế. Ảnh: Wall Street Journal.

Đại diện Apple cho biết, họ đang phải đối mặt với thời gian giao hàng lâu hơn dự kiến do dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, nơi lắp ráp linh kiện cho camera của các sản phẩm mới. Vì vậy người mua các sản phẩm điện thoại mới iPhone 13 của hãng cũng phải chờ đợi lâu hơn.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng về phía Nam và vào tháng Bảy, TP.HCM và các tỉnh công nghiệp lân cận đã áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, tập đoàn Pou Chan (Đài Loan, Trung Quốc) và Changshin Việt Nam (Hàn Quốc), công ty sản xuất giày dép cho Nike và Adidas, đã phải tạm ngừng hoạt động các nhà máy ở TP.HCM.

Nike đã cắt giảm kỳ vọng doanh số bán hàng năm 2022 và đưa ra cảnh báo về việc thiếu hụt sản phẩm khi kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh đang đến gần.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, một số thương hiệu thời trang quốc tế đã chuyển đơn đặt hàng khỏi Việt Nam và 60% doanh nghiệp may mặc và giày dép trong nước cũng bị phạt do giao hàng chậm.

Tương tự với Singapore, Malaysia và Thái Lan, khi dịch bệnh COVID-19 và các biến chủng đang lan ra ngày càng rộng, chính phủ các nước cũng phải áp đặt các biện pháp phỏng toả để ngăn chặn đại dịch.

Một số hãng sản xuất ô tô phải ngừng hoạt động và tạm thời đóng cửa nhà máy sản xuất. Ảnh: Nikkei Asia.
Một số hãng sản xuất ô tô phải ngừng hoạt động và tạm thời đóng cửa nhà máy sản xuất. Ảnh: Nikkei Asia.

Tại Singapore, các nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động vào thời điểm khi vực châu Á đang phải vật lộn với chi phí nguyên liệu thô tăng mạnh và nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Malaysia là nơi có các nhà máy phục vụ các nhà sản xuất chất bán dẫn của châu Âu cũng như các nhà sản xuất ô tô lớn bao gồm Toyota và Ford. Vào tháng Tám vừa qua, Ford thông báo, sẽ tạm thời đóng cửa nhà máy sản xuất xe bán tải bán chạy nhất ở Mỹ do tình trạng thiếu hụt linh kiện liên quan đến chất bán dẫn do dịch bệnh ở Malaysia.

Tại Thái Lan, để tránh tình trạng các nhà máy ngừng hoạt động giống như những nơi khác, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp “bong bóng và niêm phong” cho phép các trường hợp mắc COVID-19 đã được xác nhận được chuyển đi điều trị và cách ly với các nhân viên khác. Tuy nhiên một số công ty vẫn phải tạm thời đóng cửa để tiến hành khử khuẩn sau khi ghi nhận các ca mắc mới, điều này cũng làm cho các doanh nghiệp lớn như Toyota hay Honda phải đau đầu./.

Đọc tiếp