Chương trình phục hồi và phát triển: Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hiệu quả hơn

KINH TẾ Việt nAM
09:34 - 23/01/2023
Chương trình phục hồi và phát triển: Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hiệu quả hơn
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh những rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế thế giới, Chương trình phục hồi phát triển KT-XH vẫn giữ nguyên được giá trị, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa viết cho Mekong ASEAN.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng sự thay đổi quá nhanh của tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế đã khiến cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình phục hồi và phát triển) không còn phù hợp hoàn toàn và cần có những điều chỉnh để tiếp tục thực hiện.

Theo chúng tôi, bên cạnh những tín hiệu tích cực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng tăng trưởng, thì năm 2023 vẫn sẽ là năm khó khăn và đầy thách thức đối với doanh nghiệp. Việc làm, thu nhập của đại bộ phận dân cư sẽ tiếp tục là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Những khó khăn chủ yếu nào doanh nghiệp và người lao động có thể gặp phải trong năm 2023? Tình trạng khan hiếm vốn và kẹt thanh khoản có thể vẫn còn kéo dài đến nửa đầu năm 2023. Lãi suất có thể không tiếp tục tăng nhưng sẽ đứng ở mức cao trong các quý tới.

Trong khi đó, áp lực giảm đơn đặt hàng và tăng chi phí nguyên, nhiên vật liệu có thể còn lớn đối với nhiều ngành nghề. Công ăn việc làm cả khu vực sản xuất và dịch vụ vẫn còn khó khăn. Cầu tiêu dùng tiếp tục có xu hướng chững lại sau vài tháng bùng nổ khi chấm dứt giãn cách dịch covid.

Như vậy vấn đề làm bối cảnh cho quá trình thiết kế chương trình phục hồi và phát triển tuy có thay đổi cả theo hướng tích cực, nhưng một số vấn đề cơ bản thậm chí còn khó khăn hơn, nhất là khi doanh nghiệp và người lao động vẫn rất cần được hỗ trợ. Ngoài ra một số vấn đề về kỹ thuật và pháp lý sau một năm thực hiện cũng bộc lộ những khía cạnh có thể cần được điều chỉnh hợp lý và hiệu quả hơn, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vào tháng 1/2022, trong đó làm rõ các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.

Nhìn lại gần một năm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển bước đầu có thể thấy: Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu năm và đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý cần thiết gồm 29 văn bản. Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan cũng đã ban hành 15 văn bản triển khai thực hiện với nhiều quy định chi tiết và trình tự chặt chẽ.

Một số hạng mục của Chương trình đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện có kết quả tốt như chương trình hỗ trợ thuê nhà đã hoàn thành, chương trình giảm thuế đã và đang thực hiện có kết quả rất quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chương trình hỗ trợ việc làm cũng đang được triển khai tích cực với hoạt động hàng ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 64 nghìn tỷ đồng. Tổng số thuế miễn, giảm ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng chương trình.

Một số hạng mục chương trình đang được thực hiện nhưng vẫn còn chậm như chương trình hỗ trợ lãi suất 2% do chính sách tiền tệ thắt chặt chống lạm phát và kiềm chế tăng tỷ giá hối đoái. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.

Chương trình nhà ở cho công nhân cũng đang rất thấp do khó khăn về thủ tục, và nên coi đây là chiến lược tập trung và dài hạn hơn là trong khung thời gian của chương trình này.

Các chương trình còn lại bao gồm: hỗ trợ ngành y, hỗ trợ mầm non và máy tính, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu chưa được triển khai hoặc triển khai không đáng kể.

Một số khuyến nghị

Những cấu phần của chương trình đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện có kết quả tốt cần được mở rộng phạm vi thực hiện như cấu phần miễn giảm thuế, hỗ trợ thuê nhà và việc làm. Các cấu phần này có thể hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp và người lao động trong lúc đang khó khăn.

Cấu phần hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là cấu phần tưởng đơn giản nhưng rất khó thực hiện do sự khác biệt giữa nhà cấp vốn, nhà tài trợ và người thụ hưởng, cũng như chế độ hạch toán, kế toán rất khác nhau, ví dụ - cơ chế tài chính ngân sách phải có 3 bước cơ bản như: Dự toán, Tạm ứng và Quyết toán.

Cơ chế tín dụng còn phức tạp hơn với nhiều quy trình như đánh giá rủi ro, đánh giá tài sản đảm bảo, xét duyệt khoản vay, giải ngân, quản lý nợ và thu hồi nợ…Qua khảo sát của người viết với một vài ngân hàng cho thấy, họ đã gặp khó khăn ngay trong quá trình lập dự toán với nhiều thông số có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra hệ thống chứng từ có liên quan đến khoản vay để lập hồ sơ quyết toán rất lớn và luôn có sự khác biệt về "chứng từ đã cho vay" và số liệu chi tiết về giải ngân. Đây là điều mà hầu hết các ngân hàng thương mại rất e ngại thực hiện vì khối lượng công việc rất lớn và rất khó kiểm soát sai sót, nhất là không thể kiểm tra sau và điều chỉnh được như hoạt động ngân hàng thông thường.

Có một cách làm khác có thể khắc phục được phần lớn quy trình dự toán, tạm ứng và quyết toán tại ngân hàng đó là ngân hàng xác nhận khoản vay của doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ từ đầu năm 2022 gửi cho Cơ quan thuế để cấn trừ vào nghĩa vụ thuế. Trường hợp doanh nghiệp không phải nộp thuế (do ân hạn, do lỗ…) thì Ngân sách có thể chi trả cho doanh nghiệp qua cơ quan thuế. Tuy nhiên kế toán Ngân sách (Đầu tư công) và kế toán thuế có thể cũng khác nhau, nhưng dù sao trong nội bộ Bộ Tài chính cũng dễ xử lý hơn.

Nhiều doanh nghiệp sau khi được hỏi ý kiến đều trả lời là ngân hàng hết room không cho vay, thậm chí ngừng giải ngân cho cả những hợp đồng tín dụng đang thực hiện, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy tôi cho rằng, họ cần được vay hơn là được hỗ trợ lãi suất. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh đang phải xoay xở từng đồng để trả lương công nhân thì được hỗ trợ lãi suất không phải là khoản tiền nhỏ.

Các cấu phần còn lại có thể cân nhắc điều chỉnh theo hướng lồng ghép các chương trình đầu tư công trung hạn ví dụ như chương trình phát triển mạng lưới y tế cơ sở hiện đại như Chính phủ đã chỉ đạo tại Quyết định 2348/QĐ-TTg năm 2016 và Chỉ thị 16/CT-TTg tháng 09/2022. Tương tự các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu cũng nên được lồng ghép vào các chương trình phát triển hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi số để tiếp tục thực hiện sau năm 2023 với một cơ chế quản lý đầu tư công thống nhất.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại của tình hình thanh khoản và sụt giảm của thị trường tài sản, của thị trường xuất khẩu, có thể doanh nghiệp và người lao động cần được hỗ trợ hiệu quả hơn để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Đọc tiếp