Chuyên gia 'hiến kế' giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:53 - 20/08/2022
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh hội nhập và tình hình quốc tế nhiều biến động như hiện tại, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Để phục hồi sau đại dịch và phát triển bền vững, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp là yếu tố sống còn.

Tại Diễn đàn Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức chiều 19/8, các diễn giả đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã có những đề xuất cho vấn đề này.

Nâng cao năng lực quản trị công ty

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD; Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững; Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam cho biết, quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi đây chính là bộ não để kết nối và gia tăng các nguồn lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người (gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên), văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp.

Theo định nghĩa của World Bank, quản trị công ty là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của công ty. Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ thu hút được các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông.

Bà Thanh cho rằng một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản gồm: Thiết kế hệ thống, xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống đó và có nhân lực để thực hiện – nói đi đôi với làm.

Bà Hà Thu Thanh trình bày về giải pháp nâng cao năng lực quản trị công ty.

Bà Hà Thu Thanh trình bày về giải pháp nâng cao năng lực quản trị công ty.

Theo thông lệ quốc tế thì quản trị công ty đang thực hiện theo 4 cấp độ: Cấp độ 1 là tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành, cấp độ 2 là thực hiện các bước khởi đầu trong cải tiến quản trị công ty, cấp độ 3 là hệ thống quản trị công ty tiên tiến, và cấp độ 4 là tiên phong trong quản trị công ty.

Tuy nhiên ở Việt Nam, đa phần các công ty vẫn đang vận hành theo cấp độ 1, chỉ khoảng 30% đang ở cấp độ 2 là các doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Bà Thanh cho biết thêm, tại ASEAN có bộ quy tắc về quản trị công ty và tại Việt Nam cũng có quy tắc riêng, đây là xu hướng đầu tiên nhưng không phải là quy định bắt buộc theo luật mà chỉ là lựa chọn của HĐQT, ban lãnh đạo công ty. Khi không áp dụng bắt buộc như vậy, việc vượt lên trên sự tuân thủ để đưa thêm các thông lệ quản trị công ty tiên tiến sẽ là xu hướng của tương lai.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Trong khi đó, PGS Trần Phương Trà, Giám đốc chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp); Giám đốc mạng lưới chính sách kinh tế EPNet, AVSE Global phân tích rằng, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Theo đó, những doanh nghiệp tìm ra “kim chỉ nam” trong việc làm thế nào tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên và cho những nhà cung cấp sẽ tạo ra hiệu suất cao ngoại lệ hơn so với các doanh nghiệp khác.

Theo bà Trà, nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Trong đó, tăng trưởng xanh là xu hướng và ngày một trở nên cần thiết hơn. Việt Nam cũng đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là công cụ để phát triển. Các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để đảm bảo khả năng thích ứng với sự biến đổi ấy.

Dẫn chứng từ kinh nghiệm của Tập đoàn hàng đầu của Pháp Thales, bà Trà cho biết, tập đoàn này đã có hướng đổi mới là tập trung vào từng cá nhân trong doanh nghiệp. Họ mời các nhân viên của mình tham gia vào các cuộc thi, đóng góp ý tưởng… để cải thiện bộ máy vận hành, xây dựng tương tác; đồng thời tạo tương tác giữa người và máy. Đặc biệt, Thales đã sử dụng nền tảng bán lẻ trực tuyến như một lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ các mục tiêu ngắn hạn, đồng thời đối phó với các thách thức trong tương lai.

PGS Trần Phương Trà tham dự diễn đàn từ Pháp qua hình thức trực tuyến.

PGS Trần Phương Trà tham dự diễn đàn từ Pháp qua hình thức trực tuyến.

Từ những kinh nghiệm quốc tế, bà Trà đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị. Đồng thời cần xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, xác định ưu tiên các chương trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…

Ngoài ra, đổi mới sáng tạo cũng cần gắn liền với tổ chức, gắn với chiến lược để vận hành có tính hệ thống. Trong đó, bà Trà nhấn mạnh, văn hóa sáng tạo, khởi nghiệp là môi trường tạo tiền đề cho những đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm và công nghệ.

Không thể bỏ qua chuyển đổi số

Từ lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Thế giới vừa trải qua thời kỳ Covid-19 khốc liệt và để vượt qua khủng hoảng này, chỉ những doanh nghiệp lớn và nhanh nhạy, tận dụng cơ hội để sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, thích ứng với hoàn cảnh mới mới có thể vượt qua.

Các số liệu cho thấy, có 69 % doanh nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với đại dịch, nhưng con số này ở Việt Nam là 47%, cho nên chuyển đổi số là một nhu cầu cấp thiết đối với nước ta. Ông Nguyễn Trọng Đường

Theo ông Đường, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc tư duy lại hướng kinh doanh, cạnh tranh, đánh giá lại chuỗi giá trị, đồng thời kết nối lại với khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số và đo lường kết quả chuyển đổi số để đánh giá xem doanh nghiệp đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số cũng rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp thấy mình ứng dụng nhiều phần mềm nhưng không rõ mình đã chuyển đổi số chưa, vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá, trong đó có bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp