Chuyên gia: Kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng nhưng không cứng nhắc

TỶ GIÁ tiền tệ
00:14 - 13/09/2022
Việc ổn định tỷ giá có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát.
Việc ổn định tỷ giá có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang kiểm soát tương đối tốt lạm phát. Tuy nhiên, cần kiên định chính sách tiền tệ thận trọng. Một chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường sẽ phù hợp bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị "Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" chiều 12/9, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát.

Năm 2008, khi giá dầu lên vượt quá 140 USD/1 thùng, lạm phát của Việt Nam lên tới 23%. Nhưng năm nay, khi giá dầu lên như vậy, lạm phát đã kiểm soát được ngay. Đó là nhờ việc thực hiện giảm các loại thuế phí liên quan xăng dầu, đồng thời ổn định tỷ giá.

Theo PGS TS. Trần Hoàng Ngân, điều hành chính sách tiền tệ ở thời điểm này vô cùng khó khăn. Không phải riêng Việt Nam mà cả ngân hàng trung ương các nước cũng vậy. Làm sao để giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng vẫn chống được suy thoái kinh tế không phải là bài toán đơn giản.

Chính sách tiền tệ có 3 mục tiêu. Thứ nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ. Thứ hai là giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thứ ba là bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đạt được cả 3 mục tiêu này.

Ảnh tác giả

Hiện tại Việt Nam cần kiên định chính sách tiền tệ thận trọng. Nếu nới lỏng thì sẽ rất dễ sai lầm còn thắt chặt thì không phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế. Một chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường sẽ phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM.

Kiên định trong điều hành tỷ giá nhưng không cứng nhắc

Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, kinh nghiệm của quốc tế trong kiểm soát lạm phát là họ dùng rất nhiều các chính sách, một chính sách ngắn hạn trong chính sách tiền tệ là tăng lãi suất. Song, quan sát tăng lãi suất, đằng sau tăng lãi suất là gì là điều Việt Nam đang cần.

Có rất nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này, chắc chắn là ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá.

Ảnh tác giả

Tôi có ý kiến riêng như này, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Ông Phước cũng nhấn mạnh, kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam cần cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng đồng VND còn tiếp tục mất giá là rất đáng kể. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không. Nếu không tăng thì đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.

Để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Điều này có nghĩa, Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

"Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ", ông Cường nêu ý kiến.

Đưa tiền ra phải trúng, đúng vào các động lực cho nền kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn vừa qua cho thấy, phải luôn hết sức bình tĩnh, bám sát tình hình thực tiễn để có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Ảnh tác giả

Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng cũng lưu ý, phải kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam. Coi trọng công tác phân tích, dự báo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tăng cường phối hợp chính sách. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả. Bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Theo Thủ tướng, tới đây, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, theo Thủ tướng, phải giữ vững bình tĩnh, đánh giá đúng nội lực để tự tin, chủ động, không lơ là, chủ quan.

"Trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt", Thủ tướng nhấn mạnh. Mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiếp theo là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá vàng đồng loạt giảm nhiệt

Giá vàng đồng loạt giảm nhiệt

Phiên giao dịch 13/3, giá vàng thế giới đảo chiều giảm mạnh sau chuỗi ngày tăng cao. Trong nước, các doanh nghiệp cũng đồng loạt điều chỉnh giảm nhiệt cả vàng SJC và vàng nhẫn.