Chuyên gia nói gì về động thái nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% của NHNN?

TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
14:01 - 06/12/2022
TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV.
TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV.
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Cấn Văn Lực, động thái nới room tín dụng của NHNN là kịp thời, hợp lý và cần thiết, đáp ứng phần nào mong mỏi người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy ổn định, tăng trưởng những tháng cuối năm 2022, tạo đà phát triển năm 2023.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về động thái nới room tín dụng của NHNN, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, động thái này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá từ bên ngoài đã giảm nhiệt. Dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số giá tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ trong Q3/2022 sau khi tăng 8,5% trong Q2/2022.

Ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá cũng dịu dần. Theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát cả năm 2022 ước chỉ khoảng 3,3%,

Thứ hai, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 106.210 tỷ đồng so với cuối tháng liền trước.

Như vậy, tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng đã bắt đầu gia tăng trở lại, cả tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi cư dân cùng tăng.

Thứ ba, theo ông Lực, đặc thù những tháng cuối năm, trước Tết âm lịch, nhu cầu vốn tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.

Do đó, động thái nới room tín dụng của NHNN là kịp thời, hợp lý và cần thiết, đáp ứng phần nào mong mỏi người dân và doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2022, tạo đà phát triển năm 2023.

Về những lo ngại nguy cơ dòng vốn đi lệch hướng, vị chuyên gia này cũng cho rằng, không nên quá lo lắng, hiện nay, những nhu cầu thiết thực như dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn là rất lớn, lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng tung ra thị trường sẽ được hấp thụ rất cao, chủ yếu đi vào các lĩnh vực tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh như mong muốn.

Mặt khác, hiện nay, không tổ chức tín dụng muốn nào cho vay lĩnh vực đầu cơ cho vay khi khả năng mất vốn, rủi ro năm sau tương đối cao, ông Lực nhìn nhận.

Ở một khía cạnh khác, đối với nguy cơ kích hoạt lạm phát, theo ông Lực, lượng vốn 200.000 tỷ đồng tăng thêm không phải quá lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội, trong khi năm 2022 Việt Nam đang kiểm soát lạm phát rất tốt. Năm 2023, áp lực lạm phát có thể cao hơn khoảng 4-4,5%, song, đây vẫn là mức chấp nhận được trong bối cảnh toàn cầu tương đối cao. Do đó, tác động của việc NHNN nới room đối với lạm phát không quá lo ngại.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 29/11-2/12, CTCP Chứng khoán SSI cho biết NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối 2021, và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc ưu tiên nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng có năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý, có thanh khoản tốt, lãi suất thấp hơn, hay các tổ chức tín dụng đang được giao hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng TMCP 0 đồng hay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, SSI cho rằng điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.

Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NHTM là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm, SSI lưu ý.

Cuối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Nguyên tắc điều chỉnh là tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đọc tiếp

Giá USD ngân hàng lên cao kỷ lục

Giá USD ngân hàng lên cao kỷ lục

Trong phiên ngày 18/9, tỷ giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Tỷ giá tại Vietcombank vượt qua mốc 24.900 VND/USD, phá vỡ kỷ lục ghi nhận hồi tháng 10/2022.