CMC đề xuất xây dựng Đồng bằng sông Hồng thành Digital HUB

viễn thông Việt nAM
12:24 - 13/02/2023
Đội ngũ chuyên gia bảo mật CMC Cyber Security.
Đội ngũ chuyên gia bảo mật CMC Cyber Security.
0:00 / 0:00
0:00
Theo tập đoàn công nghệ CMC, việc xây dựng trung tâm dữ liệu là cơ sở hạ tầng vật lý quan trọng, tăng cường hoạt động chuyển đổi số, giúp viễn thông Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên cơ sở Nghị quyết số 30 NQ/TW về vùng Đồng bằng sông Hồng xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, vùng sẽ phát triển nhanh, bền vững thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số với mục tiêu kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất xây dựng Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm Dịch vụ Dữ liệu khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Digital HUB for APAC).

Đề xuất này được ông Nguyễn Trung Chính đưa ra tại Hội nghị ngày 12/2 triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm xây dựng vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Chủ tịch Tập đoàn CMC, vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế để xây dựng thành công Digital HUB. Về vị trí địa lý, vùng là cầu nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, tạo thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chủ trì và khởi xướng nhiều chương trình dẫn đầu ASEAN như 5G, Roaming, an toàn thông tin hay triển khai quyết liệt và đồng bộ Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử, Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ "make in Vietnam".

"Nghị quyết 30 NQ/TW chỉ ra rõ nhiệm vụ quan trọng là Đồng bằng Sông Hồng sẽ tập trung trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước, chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số. Tôi cho rằng đây đều là những tín hiệu tích cực và hứa hẹn cho việc tạo tiền đề chính sách mở và nhất quán của chính phủ cho việc biến Việt Nam thành Digital Hub khu vực”.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trung Chính, Thủ đô Hà Nội còn có ưu thế hội tụ rất nhiều chính trị gia, nhà kinh tế kiệt xuất, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trường - viện xuất sắc hàng đầu đất nước và khu vực. Do đó, vùng có tiềm năng tiềm năng thu hút các tri thức trẻ, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Amazon, Microsoft, Google, Alibaba, Apple, Samsung.

Bên cạnh đó, ông Chính cũng chỉ ra các hạn chế khi các tuyến cáp biển này chưa kết nối giữa nhà mạng với nhà mạng (trạm cập bờ cáp biển quốc tế trung lập) hay nhà mạng với trung tâm tích hợp dữ liệu trung lập (Data Center) quy mô lớn.

Do đó, Việt Nam gặp bất lợi khi sự cố cáp biển xảy ra, không đáp ứng được tốc độ ứng cứu và nhu cầu cấp bách của khách hàng tại thời điểm đó. Đây là điểm vượt trội hơn của các nhà mạng tại Singapore, Hong Kong.

Từ hạn chế đó, đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, xây dựng trung tâm dữ liệu là cơ sở hạ tầng vật lý quan trọng, là trái tim của hoạt động chuyển đổi số. Trung tâm dữ liệu trung lập 100% cũng là điểm không thể thiếu khi các nhà cung cấp nội dung/các công ty công nghệ nói chung cân nhắc lựa chọn.

“Để thu hút được quy mô lớn xây dựng trung tâm dữ liệu, cần các cơ chế đặc thù như hỗ trợ về chính sách đất, năng lượng và đặc biệt có thể đặt trạm trung chuyển Internet quốc gia thứ 2 (hoặc dự phòng). Đây sẽ là điểm hoàn thiện vượt trội so với các nước còn lại trong khu vực”, ông Chính nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước và có thêm những chính sách quyết liệt hơn nữa để khuyến khích nhân tài về sống và làm việc tại đây.

Ngoài ra, đại diện CMC cũng đề xuất tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh và mở thêm cáp quang trên đất liền. Nhờ đó, các khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong hiện nay sẽ được trải nghiệm hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.
TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.