Cơ cấu lại ngành kinh tế theo cụm: Vị thế doanh nghiệp Việt nằm đâu?

KINH TẾ DOANH NGHIỆP
17:37 - 06/09/2022
Cơ cấu lại ngành kinh tế theo cụm: Vị thế doanh nghiệp Việt nằm đâu?
0:00 / 0:00
0:00
Để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, thì chuỗi giá trị mới thực sự bền chặt và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.

Ngày 6/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức Hội thảo "Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam' nhằm đóng góp ý kiến về cơ cấu lại hệ thống ngành kinh tế hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn đến năm 2025.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Nội dung quan trọng là cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu", ông Đặng Đức Anh nói.

Thời gian tới, bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội và thách thức đan xen, dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập càng đóng vai trò quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ThS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho biết, thực tiễn giai đoạn 2016–2021, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều cụm liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.

Ảnh tác giả

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vấn đề cơ cấu nền kinh tế thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả, chưa có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu.

ThS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM)

Theo ông Tùng, nền kinh tế vẫn chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển. Các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh. Sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị.

Đặc biệt, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi giá trị chưa xứng đáng với tiềm lực kinh tế. Qua bối cảnh Covid-19 càng bộc lộ rõ sự hạn chế về tính độc lập, tự chủ của các ngành kinh tế, tính dễ tổn thương do phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Theo ThS. Nguyễn Văn Tùng, để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan chức năng về chính sách, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi liên kết ngành, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.

"Bởi chỉ khi các doanh nghiệp sự liên kết với nhau, thì lúc đó chuỗi giá trị liên kết ngành mới thực sự bền chặt và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế", ông Tùng nói.

Định hình vai trò của doanh nghiệp trong liên kết ngành kinh tế

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo các chuyên gia, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 rõ ràng đã mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của đất nước phát triển. Hơn nữa, theo kế hoạch này, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP sẽ chiếm 55%.

Song đến nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hết sức hạn chế.

Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%). Trong số các doanh nghiệp cung cấp cho các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4 năm nay cũng chỉ ra rằng, trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Có một số nguyên nhân dẫn tới sự tham gia hạn chế vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc tham gia vào cụm liên kết ngành, vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển đảm bảo tính bền vững, nên không dám đầu tư đi trước nhằm nắm bắt cơ hội.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng, chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng để tự phát triển chuỗi khép kín do đó chưa chủ động tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng cũng như các yêu cầu của doanh nghiệp lớn về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chỉ nằm ngoài chuỗi giá trị.

Trao đổi với Mekong ASEAN xung quanh câu chuyện giải pháp nào giúp doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào các chuỗi giá trị, PGS.TS. Hoàng Sỹ Động nhìn nhận, về mặt chính sách, Chính phủ ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam một thì các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất đó cũng cần nhận được một, thậm chí là hai, ba, đặc biệt là các ưu đãi về vốn, nhân lực.

Đối với doanh nghiệp FDI là một thành phần không tách rời của kinh tế Việt Nam, nhưng cũng cần yêu cầu các doanh nghiệp FDI xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển.

Về phía doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DNNVV, cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, cần chia sẻ thị trường, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, cần thể hiện tính tiên phong, dẫn dắt, đầu tư vào KHCN và con người để tạo ra một hệ sinh thái phát triển chung, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ phát triển.

"Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì việc đặt mục tiêu tham gia vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị liên kết là bước chuyển động cần thiết và là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có cơ hội phát triển bền vững. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, đổi mới tầm nhìn để tận dụng cơ hội này", PGS.TS. Hoàng Sỹ Động nhấn mạnh.

Đọc tiếp