Cơ chế chưa rõ ràng khiến năng lượng tái tạo khó phát triển

Năng lượng sạch Việt nAM
08:05 - 31/08/2022
Cơ chế chưa rõ ràng khiến năng lượng tái tạo khó phát triển
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều rào cản kìm chân các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là các cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng.

Ngày 30/8, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và khí tại Việt Nam”, nhằm trao đổi về hiện trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam.

Theo ước tính, ngành năng lượng của Việt Nam đang đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon toàn quốc. Điều này có tác động rất lớn đến việc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26 cũng như phát triển năng lượng sạch theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính Trị.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về phát triển điện gió và mặt trời. Ảnh: MOIT

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về phát triển điện gió và mặt trời. Ảnh:

MOIT

Trước các kế hoạch trên, Việt Nam đang có những nỗ lực để phát triển ngành năng lượng tái tạo quốc gia. Tính đến quý I/2022, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện.

Cùng với xu thế phát triển năng lượng sạch, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất để phát triển điện than. Đồng thời, xu hướng đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) cũng xuất hiện tại nhiều địa phương.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T (T&T Group) Nguyễn Thị Thanh Bình, điện khí LNG được kỳ vọng sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng phát thải carbon, sạch hơn than. Đây sẽ là nguồn điện cần thiết để bổ trợ giúp cân bằng hệ thống khi các nguồn năng lượng tái tạo khác kém ổn định.

Đến nay, Việt Nam đã có 14 dự án nhà máy điện khí LNG được bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, hơn 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị, xem xét đưa vào Quy hoạch VIII với tổng công suất hơn 115.000 MW.

Khó khăn cho doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trong vấn đề phát triển năng lượng điện sạch thì vẫn còn những rào cản, khó khăn. Đáng lưu ý, cơ chế tham gia thị trường, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân vẫn chưa rõ ràng, điều này khiến các nhà thầu e ngại vì có thể có những rủi ro lớn gặp phải.

Các nhà đầu tư cũng đặt ra câu hỏi về chính sách sẽ tiếp nối cơ chế FIT để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được liên tục.

Đồng thời, vấn đề pháp lý còn “lúng túng” giữa bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện cũng kìm chân ngành điện sạch của Việt Nam phát triển.

Theo bà Bình, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án điện khí LNG, đặc biệt là vấn đề tài chính khi Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh cho các dự án nguồn điện.

Ngoài ra, biến động của giá LNG hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, điều này gây khó khăn trong việc xác định hiệu quả dự án, kéo theo khó khăn về đàm phán với đối tác.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với quy mô vốn mỗi năm trung bình từ 8 -14 tỷ USD (phụ thuộc vào kịch bản phát triển kinh tế). Trong đó, 25% số tiền đầu tư cho phát triển lưới truyền tải, 75% còn lại cho nguồn phát.

Trong buổi gặp gỡ giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Selwin Hart vào đầu tháng 8 qua, phía Bộ cho biết hiện Việt Nam không chỉ tìm nguồn tài chính cho phát triển mà còn cần các cơ chế phù hợp để huy động các nguồn tài chính đó.

Đặc biệt, Việt Nam cần tạo điều kiện cho các khối tư nhân tiếp cận các nguồn tài chính mà không cần bảo lãnh của Chính phủ. Trong một số trường hợp, bảo hiểm đầu tư sẽ phát huy tác dụng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn cũng như giảm gánh nặng cho Chính phủ.

Trong Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, Việt Nam chỉ triển khai tiếp các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc đã có cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT. Sau 2030, Việt Nam sẽ định hướng đốt trộn than và armonia hoặc biomass để hướng tới chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu.

Theo quy hoạch VIII, Việt Nam đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7 GW và đến năm 2045 là khoảng 65GW.

Tin liên quan

Đọc tiếp