Cổ đông HDBank thông qua chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:59 - 23/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/8, tại sàn HoSE, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - mã HDB) đã công bố biên bản kiểm phiếu và nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương thức điện tử.

Theo đó, ĐHĐCĐ đã phê duyệt chủ trương việc HDBank thực hiện góp vốn điều lệ, với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

NHTM được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Về NHTM được chuyển giao bắt buộc, đây là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. Trong đó HDBank được loại trừ NHTM được chuyển giao bắt buộc này khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất và khoản góp vốn không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

Về chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của NHTM được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc

HĐQT HDBank tin tưởng việc thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc vừa thực hiện nhiệm vụ đối với ngành ngân hàng với năng lực, kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng của HDBank, vừa giúp HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn. Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.

Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán SSI, việc nhận chuyển giao cũng sẽ giúp HDBank được NHNN ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp từ NHNN cho ngân hàng mục tiêu.

Quan sát các đề xuất của nhà băng liên quan đến việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, SSI tiếp tục cho rằng cần phải có những ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu.

Do đó, chuyên gia SSI giữ quan điểm khá tích cực đối với những giao dịch tiềm năng này. Tuy nhiên, với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ việc HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có thể sẽ đến chậm hơn so với trường hợp của VCB và MBB.

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cũng báo cáo, với những diễn biến gần đây trong việc nhận chuyển giao bắt buộc một số tổ chức tín dụng và kỳ vọng của các cơ quan chức năng về một hệ thống ngân hàng cô đặc hơn, VDSC cũng kì vọng ngân hàng có thể phát triển thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ trong tương lai.

Qua đó, VDSC dự báo năm 2022 lợi nhuận trước thuế ngân hàng có thể đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng tăng 24% gồm khoảng 8.000 tỷ đồng từ hạn mức năm 2021.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng, NIM và chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, các chuyên gia nhận định. Thu nhập phí thuần cũng được kỳ vọng sẽ là một động lực khác của lợi nhuận nhờ thu nhập từ bancassurance đang tăng nhanh và nền so sánh thấp của nó. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng nhẹ 7% theo quý lên 5.500 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 28% theo năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, HDBank đặt mục tiêu dự kiến tổng tài sản 440.439 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021; huy động vốn đạt 392.683 tỷ đồng, tăng 17%; dư nợ tín dụng dự kiến đạt 256.060 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế gần 10.000 tỷ đồng, tăng 21%. Các hệ số khả năng sinh lời ROA và ROE sẽ tiếp tục được giữ mức cao, lần lượt 1,9% và trên 22,2%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp