Cơ hội nào cho ôtô Nga tại Việt Nam?

Ô TÔ Việt nAM
06:30 - 09/12/2021
Mẫu xe buýt 19 chỗ ngồi GAZelle NEXT Citiline được GAZ trưng bày tại Vietnam AutoExpo 2018
Mẫu xe buýt 19 chỗ ngồi GAZelle NEXT Citiline được GAZ trưng bày tại Vietnam AutoExpo 2018
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp ôtô, khi nền kinh tế đạt 343 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Hiện tỷ lệ sở hữu ôtô tại Việt Nam mới đạt khoảng 41 xe/1.000 dân, cho thấy thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Theo nhận định của Cục Đăng kiểm VN (Bộ Giao thông Vận tải), Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp ôtô. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 4,18 triệu ôtô đang lưu hành, bình quân đạt khoảng 41 ôtô/1.000 dân.

Năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, dân số Việt Nam đạt 97,9 triệu người. Đây được coi là những chỉ số cần thiết để một quốc gia có đủ động lực phát triển ngành công nghiệp ôtô và cũng là thời khắc bước vào thời kỳ bùng nổ ôtô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường ôtô vẫn chưa có đột phá.

Doanh nghiệp Nga kì vọng gì vào thị trường Việt Nam?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" (ô tô hóa) khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân. Hiểu theo nghĩa rộng, motorization là quá trình ô tô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu của người dân khi thu nhập được nâng cao. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng dòng xe du lịch dưới 9 chỗ.

Đây cũng là xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn trước của motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người sẽ ngày càng gia tăng, ước tính, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng từ 4.700-5.000 USD; cùng với đó là hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể giai đoạn motorization sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.

Cũng theo Bộ Công Thương, đến năm 2025, quy mô thị trường ôtô Việt Nam sẽ đạt mức cao, khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.

Còn theo nhận định của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị trường ôtô Việt Nam hiện nay đang tăng nhanh, bằng chứng là số lượng xe cả nhập khẩu và lắp ráp trong mấy tháng đầu năm nay tăng mạnh, trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường thì chưa có sự đột phá.

Báo cáo mới nhất của VAMA, sau hơn nửa năm có doanh số sụt giảm nghiêm trọng vì dịch COVID-19, sang đến tháng 10, thị trường ôtô trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA), trong tháng 9/2021, toàn thị trường có 13.537 xe được bán ra, tăng 52% so với tháng 8/2021 và giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có 8.347 xe du lịch, tăng 34%; 4.886 xe thương mại, tăng 108% và 304 xe chuyên dụng, giảm nhẹ 2% so với tháng trước.

Xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước là 7.316 xe, xe nhập khẩu đạt 6.221 xe, tăng lần lượt là 37% và 76% so với tháng Tám.

Tính chung, báo cáo quý III/2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 188.937 xe các loại, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo đánh giá của GAZ - một thương hiệu ôtô lớn của Nga - đến năm 2024, doanh số toàn thị trường Việt Nam sẽ vào khoảng 550.000 chiếc, và đó là kì vọng rất lớn mà GAZ hướng tới thị trường Việt Nam.

Trước đó, năm 2018, tập đoàn GAZ đã thông báo tới truyền thông kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng). Tại Vietnam AutoExpo 2018, GAZ đã trưng bày mẫu 5 dòng xe để giới thiệu tới khách hàng nhằm quảng bá các mẫu xe của mình tới với người tiêu dùng.

Một khách hàng đang đọc thông tin về mẫu xe buýt 19 chỗ ngồi GAZelle NEXT Citiline tại Vietnam AutoExpo 2018. Ảnh: Vietnamnet
Một khách hàng đang đọc thông tin về mẫu xe buýt 19 chỗ ngồi GAZelle NEXT Citiline tại Vietnam AutoExpo 2018. Ảnh: Vietnamnet

Ôtô Nga từng chật vật trên thị trường Việt Nam

Từ năm 2016, tận dụng lợi thế thuế quan của Nghị định thư kí lần đầu tiên, nhà phân phối độc quyền AutoK đã rất tự tin vào thị trường khi nhập xe UAZ về Việt Nam.

Bên cạnh khách hàng U50-60 vốn yêu mến UAZ vì xe gắn bó nhiều kỷ niệm về tình hữu nghị Việt-Xô, thì còn lớp khách hàng mới mong chờ sử dụng các dòng xe 2 cầu giá rẻ có tính năng vượt địa hình bền bỉ. Khi đó, dòng xe bán tải của hãng UAZ với giá bán bản tiêu chuẩn UAZ pickup chỉ 495 triệu đồng, bản cao cấp nhất giá bán chỉ ở mức 560 triệu đồng.

Giá cả cạnh tranh khiến xe UAZ gây nên sức ép nhất định đối với các dòng xe bán tải khác như Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado hay Toyota Hilux. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, những mẫu xe này đã rơi vào cảnh ế hẩm hiu do quá tốn nhiên liệu và trang thiết bị nghèo nàn so với các dòng xe Nhật, Hàn

Hơn 2 năm sau, nhà phân phối AutoK đã ngừng kinh doanh, đóng cửa showroom. Giám đốc nhà phân phối không còn muốn gặp báo chí, mặc dù trước đó còn tràn đầy nhiệt huyết và đặt ra những mục tiêu lớn, đặc biệt với thương hiệu xe thể thao, bán tải của UAZ.

Lý giải về sự xuống dốc này, người từng phụ trách mảng kinh doanh AutoK cho biết, bên cạnh vấn đề tính cạnh tranh của xe, còn do chính sách phức tạp, không được miễn thuế ngay, kèm vướng mắc ở khâu nhập khẩu nên các khách hàng đợi xe “rụng” dần, những chiếc xe sau khi nhập về đã bị trễ và không tận dụng được “sức nóng” của thị trường.

Sau 3 năm xuất hiện không rẻ như mong đợi, xe Nga lại một lần nữa gây “nóng” thị trường ôtô Việt Nam bằng việc “đánh tiếng” thương hiệu Lada sắp vào Việt Nam, bán với giá rẻ nhất thị trường, chỉ từ 361 triệu đồng.

Tuy nhiên, dù được miễn thuế thì khả năng cạnh tranh của các thương hiệu ôtô Nga là yếu thế hơn so với ôtô Nhật, Hàn, Mỹ vốn đã thông dụng ở Việt Nam.

Năm 2018, trong Top 10 xe bán chạy nhất nước Nga thì đã có 4 mẫu xe của Lada, trong đó mẫu Lada Vesta đứng đầu bảng với lượng tiêu thụ trên 100 ngàn chiếc. Đây cũng chính là mẫu xe đang được loan tin ra mắt Việt Nam vào tháng 6/2019.

Trong khi đó, ở phân khúc SUV cỡ nhỏ, Lada Xray ra mắt từ năm 2016 với thiết kế dựa trên nền tảng khung gầm B0 của liên doanh Renault - Nissan, vốn áp dụng cho Nissan Juke, Nissan NV200. Còn lại, UAZ và GAZ dường như yếu thế hơn khá nhiều so với các dòng xe đã có mặt tại Việt Nam.

Các đơn vị nhập khẩu xe thời gian đó như AutoK từng chia sẻ với báo chí: thương hiệu UAZ sẽ đưa vào Việt Nam hai mẫu Hunter và Patriot, giá rẻ hơn so với phân khúc cùng loại trên thị trường. Mẫu UAZ Hunter được báo giá 336 triệu đồng cho bản máy dầu và máy xăng là 356 triệu đồng. Hồi cuối năm 2016, nhà phân phối UAZ cũ là AutoK ra mắt Hunter máy xăng là 460 triệu đồng và sau này có thêm bản máy dầu giá 565 triệu đồng.

Xe UAZ chỉ có lựa chọn số sàn là một điểm yếu của hãng xe này, ngoài ra các trang bị tiện nghi, chất lượng hoàn thiện nội thất cũng có một khoảng cách lớn so với các hãng xe Nhật, Mỹ.

Riêng với GAZ, hãng xe có thế mạnh về xe tải, xe khách nhưng phân khúc này hiện đã được lấp đầy bởi các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Sau lần đem xe rầm rộ sang Việt Nam trưng bày tại triển lãm Autoexpo 2018, vẫn chưa có chiếc GAZ mới nào chính thức bày bán.

Chặng đường của ô tô Nga vào Việt Nam không hề bằng phẳng!

Các mẫu xe GAZ được giới thiệu tại một triển lãm ở Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN
Các mẫu xe GAZ được giới thiệu tại một triển lãm ở Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN

Cơ hội nào cho xe Nga?

Lỡ nhịp năm 2017 không thể phát triển thị trường, sang 2018 xe Nga lại càng khó khăn và không có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam khi vướng các rào cản kỹ thuật. Hiện các rào cản kỹ thuật đã được khơi thông bởi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Nga (sửa đổi lần 2) về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định thư tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc cho các liên doanh nhà đầu tư Nga tại Việt Nam liên quan đến quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, quy định về mức độ nội địa hóa của phương tiện được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, các dòng xe tải và xe 9 chỗ ngồi của Nga sớm có mặt trên thị trường Việt Nam, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành ôtô, tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành ô tô, giúp người tiêu dung Việt Nam có thêm sự lựa chọn cho các dòng xe.

Nói về triển vọng ngày ôtô Việt Nam trong năm 2021, trong báo cáo mới phát hành, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong thời gian vừa qua, có nhiều dự án sản xuất ô tô đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này được kỳ vọng mang lại giá xe ngày càng giảm.

Theo SSI Research, trong 2 năm gần đây, các thương hiệu ôtô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ôtô ở Việt Nam, như Ford đầu tư 1.900 tỉ đồng để sản xuất 30.000 chiếc/năm. Hyundai đầu tư 3.200 tỉ sản xuất 100.000 chiếc/năm, hay Mitsubishi đầu tư gần 6.000 tỉ để sản xuất 40.000 chiếc/năm.

Nhiều dự án lắp ráp khác cũng sẽ triển khai trong thời gian tới như nhà máy Honda và Toyota mở rộng. Ngoài ra, thương hiệu xe Việt Nam VinFast cũng sẽ gia tăng sản lượng ôtô trong thời gian tới.

Sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Cùng với đó, với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ôtô mới, dự kiến hoàn thành vào giai đoạn 2022 – 2023, SSI cho rằng thị trường ôtô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.

Tuy nhiên, những chuyên gia có góc nhìn thận đều cho rằng: Con đường chinh phục người Việt của xe Nga còn khá dài ở phía trước, và gần như phải làm lại từ đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nhà sản xuất ô tô Nga sẽ phải đương đầu với các thương hiệu sản xuất xe lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, thậm chí, kể cả thương hiệu Vinfast của Việt Nam.

Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam giữa Việt Nam và Nga được ký từ 21/3/2016 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, tuy nhiên, do chưa có những chính sách đồng bộ phù hợp, nên các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế của Nghị định này. Vì Vậy ngày 27/12/2018, Nghị định thư sửa đổi (lần 1) đã được kí kết.

Ngày 1/12, trong chuyến thăm làm việc của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nga, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Nghị định thư Nghị định thư sửa đổi lần 2 nhằm sớm đưa ô tô Nga đi vào thị trường Việt Nam.

Nghị định thư sửa đổi lần 2 tháo gỡ một số vướng mắc nhằm sớm cấp cho Liên doanh GAZ Thành Đạt giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cũng như phê duyệt Kế hoạch sản xuất năm 2021 của Liên doanh nhằm đưa nhà máy liên doanh lắp ráp ô tô vào hoạt động.

Tin liên quan

Đọc tiếp