Cơ hội nào cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng không thế giới

Cơ hội nào cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng không thế giới

Hàng KHông Việt nAM
11:25 - 30/09/2022
Theo ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC), việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không toàn cầu hiện đã mở ra, nhưng quá trình thẩm định để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vô cùng ngặt nghèo.

Theo số liệu từ nhà sản xuất máy bay Boeing, trong nhiều năm qua các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận, linh kiện tiên tiến cho hãng để lắp ráp máy bay. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua khoảng 200 triệu USD.

Tập đoàn Airbus cũng đang mở rộng cửa cho các nhà cung cấp linh kiện thuần Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Hãng đã thỏa thuận hỗ trợ về mặt chuyên môn phục vụ thành lập Khoa Hàng không tại Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội năm 2018.

Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam trong khoảng 6-6,5% năm 2022 sẽ là nền tảng để tăng trưởng ngành hàng không đạt con số 15-20%. Sự tăng trưởng toàn ngành sẽ kéo theo nhu cầu phát triển của các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đào tạo cho ngành hàng không.

Trước những cơ hội rộng mở như trên, ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) đã có chia sẻ với Mekong ASEAN về lợi thế, thách thức của các doanh nghiệp kỹ thuật khi tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không.

Mekong ASEAN: Ngành hàng không vừa trải qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông có thể chia sẻ hoạt động của công ty trong 2 năm vừa qua?

Ông Trần Hải Đăng: AESC cũng trải qua tâm bão giống như các hãng hàng không. Tuy nhiên, bởi đặc thù là công ty có nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ như sửa chữa bảo dưỡng máy bay, thiết bị phụ tùng; thiết kế sản xuất; sản xuất các thiết bị mặt đất cho sân bay; hoạt động huấn luyện đào tạo kỹ thuật viên cho ngành hàng không nên mỗi lĩnh vực đều có đóng góp cho tổng doanh thu của công ty.

Do vậy, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, về mặt tài chính công ty không gặp khó khăn và đã mạnh mẽ vượt qua tâm bão.

Một điều mừng hơn cả là công ty không mất nhân lực nào trong 2 năm dịch bệnh mà hiện tại, công ty còn thu hút thêm nguồn nhân lực mới phục vụ cho ngành.

Một điểm đặc biệt giúp công ty vẫn hoạt động tốt trong dịch là dù máy bay không bay thì vẫn cần bảo dưỡng. Trong ngành kỹ thuật hàng không, chỉ có những nhà máy sản xuất máy bay bị dừng đơn hàng còn với những công ty bảo dưỡng sửa chữa, kỹ thuật hầu như không ảnh hưởng nhiều.

Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết chi tiết công ty đang cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không nào? Sắp tới công ty có kế hoạch hợp tác và mở rộng thêm thị trường ở đâu?

Ông Trần Hải Đăng: Công ty đang cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho tất cả các hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, gần đây là Vietravel. Các thị trường truyền thống công ty đang cung cấp ngoài Việt Nam còn có cả Lào và Myanmar và Campuchia.

Các sản phẩm công ty cung cấp đều đạt tiêu chuẩn được công nhận và cấp chứng chỉ Tổ chức Bảo dưỡng theo tiêu chuẩn Cục hàng không Châu Âu (EASA Part 145), tiêu chuẩn Hoa kỳ (FAA Part 145), là các tiêu chuẩn của hàng không thế giới nên AESC có thể cung cấp sản phẩm cho ngành hàng không toàn cầu.

Bên cạnh đó, AESC cũng đạt tiêu chuẩn VAR Part 145 của Cục Hàng không dân dụng Việt nam.

Nội thất máy bay do công ty sản xuất bán được cho mọi hãng hàng không. Công ty cũng có thế mạnh về xuất khẩu nội thất máy và tiềm năng của công ty trong lĩnh vực này là rất lớn.

Mekong ASEAN: Việc xuất hiện một số hãng hàng không du lịch như Vietravel, hay các hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa sắp ra mắt như IPP Cargo, công ty có kế hoạch cung cấp dịch vụ mới cho các doanh nghiệp này không, thưa ông?

Ông Trần Hải Đăng: Việc bảo dưỡng hay cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các tàu bay của bất kỳ hãng nào đều giống nhau. Tuy nhiên, với những máy bay chở hàng thì họ không chú trọng nội thất máy bay bởi họ không chở hành khách và không có tiếp viên, mà các hãng vận chuyển chỉ quan tâm đến các hầm hàng, thiết bị vận chuyển trong máy bay.

Nhìn chung, việc bảo dưỡng sửa chữa kỹ thuật cho những chiếc máy bay này sẽ giống với các máy bay thương mại khác mà thôi.

Mekong ASEAN: Với kinh nghiệm là công ty sản xuất linh kiện thì ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp máy bay thế giới?

Ông Trần Hải Đăng: Đến giờ phút này, việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không không còn khó nữa. Đã có những doanh nghiệp như AESC mở đường và đạt được những chứng chỉ hàng không quốc tế như trên thì việc tham gia sân chơi thế giới rất rộng mở.

Công ty đã mất 5-7 năm để nhận được các chứng chỉ cơ bản của ngành kỹ thuật hàng không thế giới và con đường bước vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không là rất gần.

Các doanh nghiệp kỹ thuật hàng không khác cũng có thể tiến gần hơn tới cánh cửa này, AESC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để có nhiều hơn công ty của Việt Nam góp mặt trong chuỗi cung ứng thế giới.

Mekong ASEAN: Ngoài những linh kiện nội thất hiện tại, công ty có kế hoạch phát triển sản xuất thêm những loại linh kiện mới nào không, thưa ông?

Ông Trần Hải Đăng: Với những sản phẩm nội thất máy bay dù tiêu chuẩn an toàn ở mức trung bình nhưng để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế thì quá trình thẩm định cũng đã rất ngặt nghèo, tuy nhiên công ty cũng đã hoàn thành quá trình thẩm định cho những sản phẩm nội thất.

Trong thời gian tới, công ty đang có kế hoạch đầu tư sản xuất những thiết bị, vật tư phức tạp hơn như nhóm thiết bị liên quan đến cấu trúc máy bay, hay những bó dây điện trong tàu bay hay một số linh kiện khác.

Về quy trình thì chúng ta có máy móc, nhân lực, có nhà xưởng và đặc biệt chúng ta cũng đã đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật hàng không quốc tế vậy thì không chần chừ gì mà nhập cuộc.

Một yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh trong chuỗi cung ứng là cùng sản phẩm đó nhưng chúng ta làm ra sẽ có giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo và giao hàng nhanh chóng.

Mekong ASEAN: Gần đây công ty có ý tưởng đưa thổ cẩm lên nội thất máy bay, ông có thể chia sẻ những sản phẩm cụ thể là gì và ý tưởng này đã được những hàng hàng không nào hưởng ứng?

Ông Trần Hải Đăng: Tôi có thể chia sẻ rất trung thực là ý tưởng này không bắt nguồn từ công ty mà là ý tưởng bà Lương Thị Xuân, Giám đốc công ty GK Wintron, một người rất tâm huyết với ngành hàng không Việt Nam.

AESC may mắn là thế hệ tiếp nối ý tưởng của bà, đồng thời công ty cũng là đơn vị có thể thực hiện được ý tưởng này. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nội thất máy bay, việc tiếp cận và thực hiện ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay không phải là khó.

Thổ cẩm sẽ được dùng làm vải bọc ghế, rèm trên máy bay, ngoài ra, công ty sẽ chọn thổ cẩm của một dân tộc để thiết kế hòa hợp với đồng phục của tiếp viên hàng không.

Ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) trình bày ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay thương mại tại Triển lãm hàng không quốc tế (VIAE) 2022.

Ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) trình bày ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay thương mại tại Triển lãm hàng không quốc tế (VIAE) 2022.

Cái khó của ý tưởng này là từ trước đến giờ chưa có một vật liệu nào của Việt Nam được đặt lên máy bay. Đặc biệt, đây còn là vật liệu Việt Nam tự sản xuất nên để có thể trải qua các vòng kiểm định và lên được bầu trời thì vẫn cần thêm thời gian.

Các vật liệu thổ cẩm này sẽ phải trải qua những bài kiểm tra rất ngặt nghèo gồm 5 bài test chống cháy, nhiệt lượng phát thải và độc tính của khói khi cháy, để đạt được những chứng chỉ hàng không thế giới. Vải bọc vẫn cần nhẹ và bền.

Sau khi nhận được chứng chỉ, chúng ta sẽ phải bàn chuyện với các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus hay thậm chí là những nhà sản xuất ghế máy bay để có thể đưa thổ cẩm lên những chiếc ghế này, hoặc là sự đồng ý từ Cục Hàng không để có thể lắp những chiếc ghế thổ cẩm lên máy bay ở Việt Nam.

Và cuối cùng, chúng tôi rất cần sự đồng hành của các hãng hàng không, sự đồng tình và ủng hộ của họ với những sản phẩm mang dấu ấn dân tộc. Công ty cũng đã tiến hành trao đổi với các hãng hàng không tại Việt Nam, một số hãng đều nhìn nhận đây là một ý tưởng thú vị.

Sự đồng hành của các hãng hàng không sẽ đưa văn hóa bản sắc của Việt Nam lên bầu trời. Công ty sẽ dành dự án này cho những hãng hàng không thực sự mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Bản thân các hãng sử dụng dịch vụ phải có nội thất bằng vải bọc ghế chứ không phải là da thì mới có thể triển khai được.

Từ phía các hãng hàng không, họ cũng sẵn sàng đón nhận nếu như những vật liệu này đạt đủ chứng chỉ, tiêu chuẩn để có thể đưa lên máy bay.

Cũng đã có những ý kiến phản hồi về dự án này. Một số ý kiến đóng góp ý tưởng như thiết kế làm sao để khoang hạng thương gia khi sử dụng chất liệu này sẽ tạo sự khác biệt thực sự. Một số góp ý cụ thể như nếu có họa tiết trống đồng vào những chiếc khăn tựa đầu cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.

Những chất liệu thổ cẩm được đưa vào sử dụng sẽ lấy từ các vùng núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đây đều là những nơi có nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống. Chúng ta vừa có nguyên liệu, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân..

Để đưa được vải thổ cẩm lên bầu trời, cần sự phối hợp từ ba phía gồm nhà sản xuất, các hãng máy bay và địa phương cung cấp nguyên liệu. Đây là tâm huyết công ty và sẽ dành dự án này cho những hãng hàng không thực sự tâm huyết với ý tưởng và một dân tộc địa phương thực sự muốn quảng bá nét đẹp văn hóa bản sắc của mình ra thế giới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp